Bất chấp bẫy nợ, Lào 'dùng đất đổi tiền' từ Trung Quốc với những đặc khu kinh tế 90 năm

25/12/2019 10:31

Sau khi mở cửa biên giới với các nhà thầu xây dựng đập và kỹ sư đường sắt của Trung Quốc, Lào đang tìm kiếm các công ty Trung Quốc đầu tư vào các đặc khu kinh tế (SEZ) đang mọc lên nhanh chóng trên khắp đất nước.

Bất chấp bẫy nợ, Lào 'dùng đất đổi tiền' từ Trung Quốc với những đặc khu kinh tế 90 năm

Sau khi mở cửa biên giới với các nhà thầu xây dựng đập và kỹ sư đường sắt của Trung Quốc, Lào đang tìm kiếm các công ty Trung Quốc đầu tư vào các đặc khu kinh tế (SEZ) đang mọc lên nhanh chóng trên khắp đất nước.

* Lào: Luật Chứng khoán sẽ được sửa đổi để thu hút đầu tư

* Việt Nam tăng mua điện từ Lào

Nhưng các nhà quan sát cũng đặt câu hỏi cho các dự án này, và lo lắng về bẫy nợ của quốc gia nhỏ bé tại Đông Dương.

Với việc Bắc Kinh thúc đẩy các SEZ như một phần của Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI), Đặc khu kinh tế Boten ở biên giới phía Bắc Lào đã minh họa cho việc "dùng đất để đổi vốn" của quốc gia này.

Boten tiếp giáp biên giới với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc và các nhà phát triển Trung Quốc đang được cho thuê ở đó trong 90 năm.

Đầu tháng 12, Khemmani Pholsena, Bộ trưởng ngành công nghiệp và thương mại của Lào, đã đến Vân Nam để gặp các quan chức của Trung Quốc và ký các thỏa thuận - bao gồm các kế hoạch xây dựng một hành lang kinh tế ở khu vực Boten. Cuối cùng, Tập đoàn công nghiệp Vân Nam - Hai Cheng đã được phép xây dựng một đặc khu kinh tế với vốn đầu tư 10 tỷ USD, bao gồm khoảng 700 ha ở khu vực miền núi.

Tập đoàn Trung Quốc này đã giành được quyền xây dựng và phát triển SEZ với hợp đồng cho thuê 90 năm, cho phép đầu tư vào khách sạn, trung tâm mua sắm, nhà hàng và trung tâm giải trí nhằm phục vụ thị trường du lịch Trung Quốc đang phát triển ở Lào.

Tại Viêng Chăn, thủ đô của Lào, một kỷ lục du lịch mới đã được thiết lập trong năm 2019: hơn 1 triệu khách du lịch Trung Quốc đã tới đây.

“Thị trường Trung Quốc rất quan trọng đối với ngành du lịch của Lào,” Kikeo Khaykhamphithoune, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Văn hóa và Du lịch Lào cho biết tại một sự kiện du lịch vừa diễn ra ở Viêng Chăn. Số khách du lịch Trung Quốc đến Lào đã tăng từ 400.000 trong năm 2014 lên 800.000 vào năm 2018.

Trong số khách du lịch, phần nhiều là các con bạc hướng đến 4 sòng bạc nổi tiếng hoạt động trong các khu vực đặc biệt tại đây. Lớn nhất là sòng bạc Kings Romans, nằm trên một mảnh đất ven sông được thuê trong 99 năm ở Tam giác vàng, một ngã ba khét tiếng về buôn bán ma túy nằm cạnh sông Mê Kông nơi tiếp giáp 3 nước Lào, Myanmar và Thái Lan.

Để thiết lập nhiều khu vực như Boten, Lào đã phê duyệt 14 SEZ trong tổng số 40 đăc khu dự kiến ​​nhằm thúc đẩy nền kinh tế, với mục tiêu duy trì mức tăng trường trung bình 6% GDP trong những năm gần đây.

Đặc khu kinh tế Savan-Seno, gần sông Mê Kông, là nơi đầu tiên được thành lập năm 2003, và cũng có một sòng bạc nổi tiếng.

Đặc khu lớn nhất là ở Champasak, một tỉnh phía Nam dọc biên giới với Campuchia. Kế hoạch chi tiết cho dự án rộng 10.000 ha, bao gồm hơn 30 khách sạn năm sao và khu nghỉ dưỡng giải trí tích hợp nhằm thu hút khách du lịch Trung Quốc đến tham quan danh lam thắng cảnh của đất nước. Khu vực này là quê hương của Si Phan Don, một quần đảo ven sông Mê Kông.

Pornpana Kuaycharoen, điều phối viên của Land Watch Thai, một tổ chức theo dõi các SEZ ở Đông Nam Á, cho biết: “Cho đến nay, như một phần của chiến dịch Vành đai và Con đường, 160 công ty Trung Quốc đã đầu tư hơn 1,5 tỷ USD tại Lào”.

Nhưng các chuyên gia cũng đặt câu hỏi về giá trị thực của mô hình phát triển này tại Lao.

“Lào vẫn là một nền kinh tế nông nghiệp”, Shalmali Guttal, giám đốc điều hành của một nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Bangkok, nói với Nikkei. "Nơi đây vẫn chưa chịu đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực có kĩ năng để khai thác các cơ hội việc làm tốt trong các SEZ".

“Có thể các SEZ là một phần của kế hoạch công nghiệp hóa, nhưng chúng ta không thấy việc gia tăng sản xuất nhiều ở các SEZ tại Lào", bà nói: “Thay vào đó, đất đai sử dụng để phát triển bất động sản - chung cư, khách sạn, biệt thự sang trọng, sân golf và sòng bạc”.

Lào trước đây nhận các khoản vay và bí quyết phát triển từ Trung Quốc cho các dự án thủy điện để mở rộng nền kinh tế bằng cách xuất khẩu điện sang các nước láng giềng.

Tập đoàn Powerchina Resources thuộc sở hữu của nhà nước, đang xây dựng dự án thủy điện Pak Lay trị giá 2,1 tỷ USD trên sông Mê Kông. Trong đó, khoảng 1,7 tỷ USD đến từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.

Viêng Chăn cũng đã vay từ Trung Quốc để xây dựng một đường tàu cao tốc trị giá 6 tỷ USD để đưa khách du lịch từ Vân Nam qua Lào.

Tất cả các dự án này chắc chắn sẽ khiến nhiều người lo ngại về bẫy nợ ở một quốc gia tương đối kém phát triển với chỉ 7 triệu dân. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã gióng lên hồi chuông cảnh báo vào tháng 8, nói rằng nguy cơ “khủng hoảng nợ vẫn còn rất cao” đối với quốc gia này.

Vào cuối năm 2017, nợ nước ngoài của Lào ở mức 13,6 tỷ USD trong khi tổng giá trị nền kinh tế chỉ khoảng 20 tỷ USD.

Thùy Dung

Dantri

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma