Cắt giảm điều kiện kinh doanh: "Gom 2 thành 1 hoặc cắt cái nọ mọc cái kia"

16/10/2018 13:48

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng lo ngại việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh sẽ xảy ra tình trạng "gom 2 thành 1 hoặc cắt cái nọ mọc cái kia".

Cắt giảm điều kiện kinh doanh: "Gom 2 thành 1 hoặc cắt cái nọ mọc cái kia"

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng lo ngại việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh sẽ xảy ra tình trạng "gom 2 thành 1 hoặc cắt cái nọ mọc cái kia".

Sáng nay 16-10, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, đã chủ trì cuộc họp giữa Tổ công tác của Thủ tướng với các bộ, ngành về việc chậm ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa, cắt giảm các điều kiện kinh doanh.

Tại cuộc họp ngày hôm nay 16-10, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 4 bộ, gồm: Giao thông Vận tải, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư và Thông tin - Truyền thông. Các bộ còn lại sẽ làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng trong cuộc họp ngày mai 17-10.

Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với các bộ, ngành về cắt giảm điều kiện kinh doanh ngày 16-10

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá cao những nỗ lực của các Bộ trong việc đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiêm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận hiện nay còn nhiều việc "các bộ hứa nhưng chưa làm được".

Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành là vấn đề rất quan trọng, phiên họp nào Thủ tướng Chính phủ cũng nhắc nhở. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, các nghị quyết của Chính phủ đã yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh và 50% các thủ tục, mặt hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành.

"Tuy nhiên, trong tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, đến nay mới cắt được 1.517 điều kiện. Còn trong 9.926 dòng hàng mới cắt giảm được 1.700 dòng hàng"- ông Dũng nêu rõ.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh cuộc họp lần này có mời đại diện các hiệp hội để đóng góp ý kiến, đối chất với đại diện bộ, ngành về việc cắt giảm điều kiện kinh doanh đã thực chất hay chưa, đã tác động mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nghiệp chưa.

Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của các bộ trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng cũng bày tỏ lo ngại về việc cắt giảm có thực chất không hay gom 2 thành 1 hoặc cắt cái nọ mọc cái kia.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng doanh nghiệp rất kỳ vọng vào cải cách của Chính phủ, tuy nhiên họ cũng đang rất nghi ngờ. "Nghi ngờ ở đây là liệu Chính phủ và bộ, ngành có làm thật hay không, đó là tâm trạng chung của các doanh nghiệp. Dư luận cũng băn khoăn liệu bộ ngành có chạy theo thành tích. Tôi đánh giá đây là lo lắng hợp lý của doanh nghiệp, và nhiệm vụ của chúng ta ở đây là phải chứng minh được mình làm thực chất"- TS Nguyễn Đình Cung nói.

TS Cung kiến nghị cần phải có những báo cáo, đánh giá kỹ hơn về tính hiệu quả của các điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa, cắt giảm. Bởi lẽ, số điều kiện đơn giản hóa hay cắt giảm chưa tạo ra chuyển biến nhiều, chưa giúp doanh nghiệp hưởng lợi trong môi trường kinh doanh.

Viện trưởng CIEM đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương và lấy Nghị định mới về kinh doanh gas và Nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo làm dẫn chứng cho việc cắt giảm điều kiện kinh doanh thực chất, tác động tích cực đến doanh nghiệp.

Tin-ảnh: Minh Chiến

Người lao động

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma