Chiến lược ngắn hạn của Netland

06/06/2019 11:00

Tiếp đà thành công trong việc mở văn phòng đại diện tại Tokyo trong năm 2018, CTCP Bất động sản Netland (HNX: NRC) đã sẵn sàng kế hoạch cho chiến lược mở rộng thị trường. Theo kịch bản NRC xây dựng cho năm 2019, doanh thu dự kiến 350 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 110 tỷ đồng, lần lượt tăng 98% và 53% so với kết quả đạt được trong năm 2018.

Chiến lược ngắn hạn của Netland

Tiếp đà thành công trong việc mở văn phòng đại diện tại Tokyo trong năm 2018, CTCP Bất động sản Netland (HNX: NRC) đã sẵn sàng kế hoạch cho chiến lược mở rộng thị trường. Theo kịch bản NRC xây dựng cho năm 2019, doanh thu dự kiến 350 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 110 tỷ đồng, lần lượt tăng 98% và 53% so với kết quả đạt được trong năm 2018.

Để hiểu rõ hơn về chiến lược phát triển dự án cũng như mở rộng thị trường ngoại của NRC trong tương lai như thế nào, người viết đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Quang - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc NRC để lắng nghe ông chia sẻ về những vấn đề này.

Xin ông cho biết nguồn thu năm 2019 của NRC sẽ đến từ những nguồn nào?

Ông Nguyễn Hữu Quang: Nguồn thu 2019 của NRC sẽ đến từ những dự án NRC đầu tư như Saigon Metro Mall, Barya Citi, Queen Pearl Phan Thiết. Đấy là những nguồn thu chính. Tuy nhiên, năm nay NRC có một nguồn đột biến từ hoạt động môi giới. Danh Khôi có rất nhiều dự án và tháng 5, 6 này sẽ triển khai bán hàng dự án khu dân cư ở Cà Mau, Quy Nhơn, Nha Trang và đặc biệt là condotel Đà Nẵng.

Trong cơ cấu doanh thu, tỷ trọng đóng góp của môi giới và bất động sản như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Quang: Thật ra trên cơ cấu doanh thu vẫn có đặt mục tiêu nhưng hiện tại NRC đang tập trung phát triển dự án, còn Danh Khôi là công ty con tập trung vấn đề phân phối. Mình đều đặt mục tiêu chung, ngang bằng nhau. Một bên phát triển, một bên phân phối. Bên này tôi phát triển bao nhiêu thì bên đó phân phối bấy nhiêu. Thành ra, về cơ cấu sẽ đặt ngang bằng chứ không tập trung phát triển mà không tập trung bán. Phát triển và môi giới bước đi song song với nhau.

Ông Nguyễn Hữu Quang - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc NRC

Trong bối cảnh thị trường chung được dự báo khó khăn như vậy thì chiến lược ngắn hạn của NRC như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Quang: Nói về thị trường bất động sản, khó khăn không hẳn là khó khăn đâu vì còn rất nhiều khởi sắc. Các chuyên gia gần đây đều nhận định về bất động sản rất khả quan, có điều thị trường TP.HCM đang bị thiếu nguồn cung, trong khi giá trị được đẩy lên cao rồi thì nó sẽ đẩy về các thị trường vùng ven.

Thị trường vùng ven bây giờ đã khởi sắc và rất sôi động, giá đất nền ở TP.HCM cao quá rồi, đầu tư biên lợi nhuận rất thấp. Chính vì thế họ mới chuyển ra vùng ven, nơi mà biên lợi nhuận vẫn còn rất cao. Bên cạnh đó, quyết định về phê duyệt dự án của thành phố cũng đang trong quá trình rà soát lại nên khan hàng. Từ đầu năm đến giờ hầu như không có sản phẩm được tung ra.

Còn về condotel, khi mới nhìn thấy thì mọi người nói nó bão hòa nhưng không phải. Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào thị trường condotel rất nhiều. Thêm một yếu tố quan trọng là Thủ tướng vừa yêu cầu hoàn thiện hành lang pháp lý cho condotel phát triển. Nếu hoàn thiện được pháp lý sẽ thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài mua condotel nhiều hơn.

Cũng chính vì hạn chế về pháp lý nên lượng khách hàng từ HongKong đổ về hầu như không mua. Trong luật pháp của HongKong, người ta không công nhận là condotel và villas của mình nên cũng khó bán cho nhà đầu tư nước ngoài do bị hạn chế về tỷ lệ.

Nếu pháp lý được mở rộng thì tôi tin rằng condotel còn phát triển hơn nữa. Bằng chứng là các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản đổ rất nhiều tiền vào các dự án condotel. Thế nhưng tính từ đầu năm đến giờ condotel chưa bung nhiều, luồng khách nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân đang chờ pháp lý hoàn thiện để họ đầu tư vào.

Ví dụ đối với NRC, sắp tới Sanei sẽ đổ tiền vào để làm tiếp một dự án ở Đà Nẵng. Sản phẩm condotel bây giờ được hút hàng rất nhiều trong khi căn hộ không có để bán. Như dự án tại Nha Trang NRC, nhà đầu tư nước ngoài đã đặt mua tới 30% khi mới gửi thông tin xong. Không phải là không bán được, chỉ là mình có đủ điều kiện để bung hàng hay không.

Tóm lại về khả quan, tôi đánh giá thị trường vẫn là tốt, xu hướng dịch chuyển sang bất động sản vùng ven và nghỉ dưỡng.

Chiến lược của NRC trong thời gian tới sẽ tập trung vào vùng ven là chính và phân khúc nghỉ dưỡng ở những thành phố vệ tinh như Đà Nẵng, Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An,…. Song song đó, NRC vẫn tìm những dự án ở thành phố phù hợp với nhu cầu đầu tư của nhà đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài hiện nay đang đặt hàng bên NRC rất nhiều, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật. Khi tìm được dự án phù hợp là người ta góp vốn.

Tại thị trường TP.HCM, nếu đầu tư thì NRC sẽ đầu tư vào phân khúc nào?

Ông Nguyễn Hữu Quang: Mình đầu tư vào phân khúc trung bình hoặc trên trung bình thôi, chứ phân khúc high-end thì chắc chắn là không bởi phân khúc này sẽ liên quan đến giá trị rất lớn.

Kế hoạch thu xếp nguồn vốn của NRC trong thời gian tới như thế nào? NRC có dự kiến phát hành trái phiếu chuyển đổi không?

Ông Nguyễn Hữu Quang: NRC đang chuẩn bị hồ sơ làm gói 100 tỷ đồng trước. Xong gói 300 tỷ với 100 tỷ xong thì sẽ phát hành lên hoặc phát hành một lần 300 tỷ luôn. Đây là vấn đề đang trong quá trình tính toán của NRC.

Hiện tại NRC đã có nhà đầu tư rồi, cả nhà đầu tư tài chính và nhà đầu tư chiến lược. Anabuki cũng đặt vấn đề đầu tư với NRC. Với Anabuki, NRC sẽ phát triển toàn diện hơn, có nghĩa là tất cả các dự án của NRC, Anabuki sẽ là người vận hành và quản lý vận hành. Đấy là cái chung NRC đang đưa ra như thế.

Ngoài ra, NRC có sự hậu thuẫn từ Sanei. Sanei năm nay sẽ nâng mức đầu tư vào Việt Nam lên khoảng 100 triệu USD và họ đã giải ngân được 60 triệu USD từ trước đến giờ rồi. Khi họ nâng hạng mức lên thì khoảng 40-50 triệu USD sẽ được đẩy vào cho NRC. Đặc biệt là dự án ở Đà Nẵng, 2 bên đang xem xét đến giai đoạn nước rút và họ sẽ đầu tư vào.

Bên cạnh đó, Sanei sẽ đứng trên vai trò là người đại diện cho NRC bên Nhật, làm việc với các nhà đầu tư Nhật đầu tư vào các dự án của NRC. Đó cũng là lý do tại sao đại diện Senei là trưởng đại diện NRC bên Tokyo.

Ngoài ra, nhà đầu tư HongKong sẽ đồng hành và làm agency cho NRC, sẽ phân phối hết tất cả các sản phẩm của NRC. Hiện nay NRC đang tiến tới giai đoạn đàm phán hợp đồng.

Cơ hội đầu tư thẳng vào NRC vẫn còn, NRC vẫn đón chào. Còn về cấu trúc hợp tác như thế nào, NRC vẫn để mở cho các nhà đầu tư. Mỗi nhà đầu tư Nhật vào cũng mở theo từng deal chứ NRC không đưa ra một công thức chung. Đối với những nhà đầu tư khác, cổ phiếu cũng có, trái phiếu chuyển đổi NRC cũng sẵn sàng chào đón.

NRC không đặt ra tiêu chí dành cho nhà đầu tư, NRC mở và luôn luôn đón nhận. Ví dụ như G7-Holdings INC không phải đơn vị đầu tư về bất động sản mà mạnh về bán lẻ và chuỗi, đặc biệt là phụ tùng ô tô. Nhưng khi họ đầu tư vào NRC thì NRC vẫn sẵn lòng. Câu chuyện tiếp theo là khi người ta đầu tư vào bên mình rồi thì hai bên sẽ ngồi với nhau để tìm điểm chung xem đi được với nhau những gì. Có thể phần thương mại thì G7 sẽ đồng hành cùng NRC.

Sau thị trường Nhật Bản, NRC sẽ hướng đến thị trường nào trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Hữu Quang: NRC mất một năm để mở thị trường Nhật thì năm nay mong muốn của NRC mở thêm thị trường nước ngoài khác. Riêng thị trường HongKong đến với NRC một cách rất bất ngờ. Tôi cũng không ngờ người ta tới công ty và ngỏ ý hợp tác với mình.

Một thị trường NRC đang hướng tới mà không đặt nặng họ có đầu tư vào mình hay không nhưng NRC muốn mở thị trường phân phối sang Hàn Quốc. Sở dĩ NRC chọn Hàn Quốc vì văn hóa đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã có từ lâu rồi và bây giờ NRC có mấy đầu mối để làm và đang tiếp xúc.

Nhà đầu tư tiếp theo NRC hướng tới là Singapore bởi vì Singapore có rất nhiều nhà đầu tư và NRC có duyên với thị trường Singapore nhiều hơn, từng có công ty con làm việc với đối tác bên này rất nhiều. Từ trước đến giờ để bay qua Singapore nói chuyện với người ta thì chưa có nhưng trong thời gian tới NRC sẽ tham gia.

Xin cảm ơn ông!

Nguyên Ngọc

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma