Chứng khoán Trung Quốc vẫn còn một năm 2019 đầy gian truân ở trước mắt?

21/12/2018 14:30

Chứng khoán Trung Quốc đã trải qua một năm 2018 đầy khó khăn và giá cổ phiếu đã giảm khá nhiều. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng thị trường có thể sẽ không hồi phục cho tới nửa sau năm 2019.

Chứng khoán Trung Quốc vẫn còn một năm 2019 đầy gian truân ở trước mắt?

Chứng khoán Trung Quốc đã trải qua một năm 2018 đầy khó khăn và giá cổ phiếu đã giảm khá nhiều. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng thị trường có thể sẽ không hồi phục cho tới nửa sau năm 2019.

Tính tới thời điểm này, Shanghai Composite và Shenzhen Composite đã giảm tương ứng hơn 20% và 30% trong năm nay. Và cũng vì thế, chứng khoán Trung Quốc cũng góp mặt trong bảng xếp hạng thị trường tệ nhất trên toàn cầu. Trong khi đó, S&P 500 rớt hơn 6%, Nikkei 225 của Nhật Bản sụt hơn 9% và chỉ số GAX của Đức “bốc hơi” 16.6% trong năm nay.

“Chưa xuất hiện một động lực thực sự để giúp thị trường phục hồi trở lại”, Zhu Ning, Giảng viên tài chính tại Đại học Tsinghua và là Phó Giám đốc của Viện Nghiên cứu Tài chính quốc gia (NIFR). “Tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa phục hồi và cũng chẳng có nguồn lực mới. Tôi sẽ không quá lạc quan về thị trường vào năm tới”.

Trung Quốc đang lên kế hoạch cho ra đời một sàn giao dịch mới ở Thượng Hải để niêm yết cổ phiếu công nghệ trong năm 2019, và Zhu cho rằng việc này sẽ pha loãng thị trường, trong đó nguồn vốn đầu tư bị dàn trải ra thay vì gia tăng.

Nhà đầu tư trông chờ những thay đổi về chính sách

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục đang bị chi phối bởi những nhà đầu tư nhỏ lẻ - những người cũng thường hành động theo cảm xúc. Kết quả là diễn biến trên thị trường không phải lúc nào cũng tương quan tới tăng trưởng kinh tế.

Thế nhưng, trong một hệ thống rất nhạy cảm với các chính sách từ Chính phủ, diễn biến trên chứng khoán đã biểu lộ rõ nỗi hoài nghi lớn nhất của nhà đầu tư: Thời điểm Bắc Kinh thực hiện các lời hứa kích thích kinh tế.

“Trong nền kinh tế Trung Quốc, phần đóng góp và tầm quan trọng của chính sách có lẽ không kém gì so với tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung”, Duo Yuan, Sáng lập viên kiêm Chủ tịch của Blue Stone Asset Management ở Bắc Kinh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC. “Nếu nền kinh tế chững lại, cho dù là từ góc nhìn của Chính phủ hay góc nhìn của người dân thì đây cũng là một điều gì đó mà không bên nào có thể chịu đựng nổi. Điều mà mọi người lo ngại nhất hiện nay là thị trường việc làm và phúc lợi của người dân”.

“Hy vọng của phần lớn người dân là vào nửa đầu năm 2019,  Chính phủ có thể đưa ra một số chính sách có lợi cho họ và một số thông tin tốt, như thương mại, xuất hiện”, Due cho hay. “Và nếu như vậy, 6 tháng cuối năm 2019 có thể là một khởi đầu mới của thị trường Trung Quốc”.

Thật vậy, 3 tháng đầu năm 2019 có thể giúp nhà đầu tư hiểu rõ thêm nhiều điều, nhất là về diễn biến đàm phán thương mại.

Tháng 3/2019 là một tháng quan trọng

Mỹ và Trung Quốc trước đó đã lập ra hạn chót để tiến tới một thỏa thuận thương mại là vào đầu tháng 3/2019.

Chưa hết, tháng 3 cũng thường là tháng diễn ra các cuộc họp chính sách và tuyên bố quan trọng từ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Trung Quốc (CPCC). Chẳng hạn như sau cuộc họp của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc trong năm 2018, họ đã quyết định bãi bỏ giới hạn về nhiệm kỳ của Chủ tịch nước.

Tuy nhiên, về chuyện Mỹ và Trung Quốc có tiến tới một thỏa thuận thương mại hay không thì vẫn còn chưa chắc chắn được điều gì, nhất là sau khi Chủ tịch nước Trung Quốc, Tập Cận Bình, đưa ra giọng điệu có vẻ bất chấp để đáp lại các yêu cầu cải cách kinh tế từ phía quốc tế trong bài phát biểu quan trọng trong tuần này.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng bị lung lay bởi dự báo nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong năm tới, nhất là vì đồng USD mạnh hơn có thể làm suy yếu đồng Nhân dân tệ. Việc đồng nội tệ Trung Quốc rớt mốc 7 đổi 1 USD có thể bù đắp cho tác động tiêu cực từ hàng rào thuế quan, nhưng việc nó có giúp ích hay gây hại cho tâm lý nhà đầu tư thì còn chưa rõ.

Những tháng trước khi căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang, Chính phủ Trung Quốc bị vướng vào chiến dịch thắt chặt các điều kiện tín dụng trong một nỗ lực giảm bớt sự lệ thuộc vào nợ của các công ty.

Giữa làn sóng chỉ trích Bắc Kinh đã đi quá xa và quá nhanh, tăng trưởng kinh tế nước này tiếp tục giảm tốc và chỉ số Shanghai Composite rơi vào thị trường con gấu (tức giảm hơn 20% so với mưc đỉnh 52 tuần) hồi cuối tháng 6/2018. Trong vài tháng kế đó, các cơ quan chức trách lại chuyển sang nới lỏng các điều kiện tín dụng, cắt giảm thuế và tài trợ cho các doanh nghiệp tư nhân đang gặp rắc rối.

Dù vậy, cho tới nay, thị trường không vì những chính sách nới lỏng mà phục hồi mạnh. Chỉ số Shanghai Composite chạm đáy gần 4 năm trong tháng 10/2018 và sau đó đã phục hồi đôi chút, nhưng vẫn chưa bằng 50% mức đạt được trong năm 2015 – trước thời điểm xảy ra cú đổ đèo khét tiếng năm ấy.

“Cảm xúc nhà đầu tư chưa thực sự phục hồi”, Sheryl Shen, Đại diện bộ phận quan hệ nhà đầu tư tại công ty quản lý tài sản Trung Quốc Noah Holdings, nhận định.

Cô cho biết, công ty gặp nhiều khó khăn khi cố gắng thuyết phục những khách hàng giàu có đầu tư vào các sản phẩm dài hạn cỡ 10 năm. Tại thời điểm này, cô cho biết phần lớn khách hàng đều trở nên bảo thủ hơn và ưu tiên các sản phẩm đầu tư có thời hạn 1-5 năm.

Chưa nhận thấy tác động rõ ràng về kinh tế

Các tuyên bố chính sách cho tới nay có ảnh hưởng hạn chế tới nền kinh tế thực.

Giữa lúc nhà đầu tư lo ngại các doanh nghiệp Nhà nước đang nhận được nhiều hỗ trợ hơn từ Chính phủ, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường lại cho biết về ý định hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân. Chính vì các ngân hàng lớn, ngân hàng Nhà nước hoặc các ngân hàng liên kết thích cho vay tới các doanh nghiệp Nhà nước, do vậy các công ty tư nhân phải phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng ngầm (shadow banking) để vay nợ. Kênh vay nợ này ngày càng trở nên khó tiếp cận khi Bắc Kinh thực hiện kiểm soát ngân hàng ngầm, không những vậy, các công ty tư nhân còn chịu thêm áp lực từ đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng vấn trước đó trong tháng này, Cindy Huang, Chuyên viên phân tích tại S&P Global Ratings, cho biết các chính sách mới nhất từ Chính phủ dường như chỉ tạo lợi ích cho một số doanh nghiệp tư nhân lớn, cùng với các doanh nghiệp Nhà nước và các phương tiện tài trợ cho chính quyền địa phương.

“Chúng tôi tin là các doanh nghiệp tư nhân nhỏ vẫn sẽ gặp khó khăn về nguồn tài trợ và tái tài trợ”, Huang cho biết. Cô cho biết, phần lớn thách thức xuất phát từ tâm lý né tránh rủi ro của nhà đầu tư, nhất là khi Bắc Kinh cho phép nhiều trái phiếu doanh nghiệp vỡ nợ.

Trong dài hạn, đây là một diễn biến tích cực hướng về việc cho phép các nguồn lực thị đóng vai trò lớn hơn tại Trung Quốc.

Chứng khoán Trung Quốc và chứng khoán Mỹ

Bức tranh kinh tế nhìn chung vẫn còn mạnh, mặc dù phần lớn tổ chức tài chính dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm về quanh 6%.

“Trung Quốc vẫn là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng về chi tiêu tiêu dùng trên thế giới”, Alex Shutter, Đối tác bán lẻ và hàng hóa tiêu dùng tại công ty tư vấn Oliver Wyman, cho biết.

Nhìn xa hơn, chứng khoán Trung Quốc có lẽ sẽ có một khởi đầu thuận hơn hơn so với chứng khoán Mỹ - vốn vừa bước vào phạm vi điều chỉnh, Jennifer Chen Lai, Chuyên gia quản lý danh mục tại Dalton Investments – quản lý khoảng 4 tỷ USD tài sản, cho hay,

Căng thẳng thương mại chỉ là một trong ba mối lo ngại đối với chứng khoán Trung Quốc, và Bắc Kinh chỉ cần thêm thời gian khi họ đã và đang giải quyết hai vấn đề về điều kiện tín dụng và khu vực tư nhân, Lai cho biết. “Thị trường Trung Quốc thực sự có khả năng mang lại thành quả cao hơn thị trường Mỹ”.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma