Covid-19 tác động gì đến vị thế kinh tế của Trung Quốc

28/04/2020 22:10

Nhiều người lo ngại Covid-19 khiến thế giới kém thân thiện hơn với Trung Quốc, ảnh hưởng đến môi trường quốc tế vốn đã giúp họ tăng trưởng thần tốc.

Covid-19 tác động gì đến vị thế kinh tế của Trung Quốc

Nhiều người lo ngại Covid-19 khiến thế giới kém thân thiện hơn với Trung Quốc, ảnh hưởng đến môi trường quốc tế vốn đã giúp họ tăng trưởng thần tốc.

Đến nay, đại dịch đã khiến hơn 3 triệu người lây nhiễm và hơn 200.000 người tử vong trên toàn cầu. Làn sóng giận dữ của thế giới quanh cách xử lý của nước này với đại dịch đang khiến nhiều người Trung Quốc băn khoăn liệu quốc gia này có thể tiếp tục phát triển như trước đây hay không.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (27/4) cho biết có thể yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại vì Covid-19. Trong khi đó, giới chức Anh, Đức cũng muốn Trung Quốc làm rõ các thông tin về Covid-19.  

Bên cạnh đó, giới phân tích và nghiên cứu Trung Quốc cũng cho rằng một trong những sức ép lớn nhất mà chính phủ Trung Quốc phải đối mặt sẽ là việc chuỗi giá trị toàn cầu đang thay đổi rất nhanh, có thể ảnh hưởng đến thị trường việc làm tại Trung Quốc trong ngắn hạn và làm suy yếu vai trò dài hạn của nước này trong kinh tế toàn cầu. Dù nền tảng chính trị khác nhau, cũng như các nước phương Tây, Trung Quốc vẫn phải gắn chặt với thị trường thế giới.

Ba nền kinh tế hàng đầu thế giới, là Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) gần đây đều đã lên kế hoạch khuyến khích các công ty dời sản xuất khỏi Trung Quốc. Việc các công ty thay đổi chuỗi cung ứng đã diễn ra từ trước đó, do chi phí tăng và tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Tuy nhiên, đại dịch đang đẩy nhanh quá trình này. Covid-19 đã phơi bày sự phụ thuộc của thế giới vào hàng hóa Trung Quốc, đặc biệt là các thiết bị y tế cần thiết.  

Công nhân trong một dây chuyền sản xuất xe hơi ở Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Li Xunlei - nhà kinh tế học tại Zhongtai Securities cho rằng đây chưa phải là mối đe dọa ngay lập tức với Trung Quốc, nhưng có thể gây ra thách thức nghiêm trọng trong dài hạn. "Sự gián đoạn do đại dịch buộc các công ty nước ngoài tìm đến nhà cung cấp trong nước. Sự thiếu hụt thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) cũng khiến nhiều người tiếc nuối vì thiếu sản xuất tại các nước phát triển", ông nói.

Liệu Trung Quốc có thể duy trì vị thế của mình trong kinh tế toàn cầu, hay sẽ bị cô lập sau khi đại dịch được kiểm soát, sẽ là một trong những câu hỏi quan trọng nhất sau đại dịch. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt "duy trì ổn định chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị" là một trong 6 ưu tiên trong đại dịch. Điều này cho thấy quyết tâm của nước này trong việc duy trì vị thế trong nền kinh tế thế giới. Ông cũng cho biết Trung Quốc cần chuẩn bị đối phó với những thay đổi từ bên ngoài có thể tồn tại trong thời gian dài.

Trong một bài phát biểu tháng này, Huang Qifan - cựu thị trưởng Trùng Khánh cho rằng Trung Quốc có năng lực về công nghiệp và cơ sở hạ tầng. Vì vậy, họ có khả năng nâng cấp vai trò trong nền kinh tế toàn cầu, miễn là chứng minh được mình thực sự muốn mở cửa nền kinh tế.

"Đại dịch đã phơi bày những mắt xích yếu trong mô hình toàn cầu hóa cũ. Trung Quốc và các nước khác phải nghĩ lại và điều chỉnh hoạt động công nghiệp toàn cầu", ông nói.

Huang cho rằng trong tương lai, hệ thống phân phối theo chiều ngang truyền thống của chuỗi giá trị toàn cầu có thể được thay thế bằng việc tích hợp theo chiều dọc. Theo đó, mô hình "căn cứ sản xuất" nên được cân nhắc, với các khu vực có bán kính 50km - 200km, tích hợp 70% thành phần cốt lõi của một chuỗi giá trị. Những căn cứ này sẽ được đặt ở những nơi có môi trường kinh doanh thuận lợi và dễ dàng tiếp cận với mạng lưới giao thông toàn cầu.

Quan điểm của Huang cũng trùng với cam kết của Bắc Kinh rằng Trung Quốc sẽ vẫn thân thiện với nhà đầu tư ngoại và tăng mở cửa thị trường cho doanh nghiệp nước ngoài. Samsung tuần trước đã nhận được giấy phép đặc biệt, cử 200 nhân viên đến Tây An để mở rộng một nhà máy sản xuất chip tại đây.

Dù Trung Quốc đối mặt với nhiều lời đe dọa về việc sẽ bị rời bỏ và cô lập, SCMP nhận định nước này vẫn là công xưởng và thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Đây là điều mà các công ty đa quốc gia biết rất rõ.

Một khảo sát tháng này của Phòng thương mại Mỹ tại Thượng Hải cho thấy 70% công ty chưa nghĩ đến việc chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc vì đại dịch. Một số đã mở nhà máy ở nơi khác để xuất khẩu, nhưng vẫn giữ nhà máy ở Trung Quốc để phục vụ kinh doanh tại đây.

Tesla tháng trước đã có tháng tốt nhất tại Trung Quốc, khi bán được hơn 12.000 xe - tăng 450% so với cùng kỳ năm ngoái. "Elon Musk từng nhảy trước mặt mọi người khi giao chiếc Model 3 đầu tiên tại Trung Quốc trong năm nay. Bạn có thể thấy ông ấy vui mừng đến thế nào", Chen Fengying - cựu giám đốc Viện Kinh tế Thế giới thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc cho biết, "Trung Quốc vẫn là một thị trường không thể bỏ qua".

Chen cho rằng đại dịch có thể đẩy nhanh việc hình thành các khối kinh tế khu vực. Khả năng cao là Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Á. "Trung Quốc là sẽ trung tâm tại Đông Á", ông nói, "Nước này cũng có thể kết nối Nhật Bản với Hàn Quốc ở phía Bắc và Đông Nam Á ở phía nam".

Việc chuyển hướng chuỗi cung ứng cũng đã được phản ánh trong các mối quan hệ thương mại của Trung Quốc. Trong quý đầu năm, Asean đã thế chân Liên minh châu Âu (EU) làm đối tác thương mại lớn nhất của nước này.

Ding Yifan - một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Phát triển thuộc Chính phủ Trung Quốc cũng khẳng định sức mạnh công nghiệp của nước này là rất lớn và khó sụp đổ. "Trong những ngày đầu phát triển kinh tế, Trung Quốc phụ thuộc rất lớn vào nhà đầu tư ngoại. Mỗi lần các nước phương Tây nói đến việc rời Trung Quốc, Trung Quốc đều thực sự lo lắng. Nhưng trên thực tế, điều này giờ không còn là vấn đề nữa. Trung Quốc hiện tại đã gây dựng được hệ thống công nghiệp riêng", Ding kết luận.

Trong khi đó, một bài đăng được chú ý gần đây trên mạng xã hội Trung Quốc của tác giả Lu Shihan thì cho rằng cơ hội tốt nhất giúp Trung Quốc thịnh vượng hiện nay là tăng quyền lực kinh tế và hỗ trợ các công ty nước này quảng bá sản phẩm ra toàn cầu.

Hà Thu

Vnexpress

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma