Đầu tư vào đâu trong năm 2019?

27/11/2018 08:25

Chứng khoán ở các thị trường mới nổi đã có một năm đầy khó khăn nhưng mọi thứ có thể thay đổi đáng kể vào năm tới. Đây là nhận định của Morgan Stanley trong báo cáo Triển vọng Chiến lược Toàn cầu cho năm 2019.

Đầu tư vào đâu trong năm 2019?

Chứng khoán ở các thị trường mới nổi đã có một năm đầy khó khăn nhưng mọi thứ có thể thay đổi đáng kể vào năm tới. Đây là nhận định của Morgan Stanley trong báo cáo Triển vọng Chiến lược Toàn cầu cho năm 2019.

Kỳ vọng vào sự chuyển mình của thị trường mới nổi trong năm 2019 là một lý do giải thích tại sao Morgan Stanley lại ưa thích những cổ phiếu ở thị trường mới nổi thay vì cổ phiếu Mỹ trong năm tới. Ngân hàng đầu tư này nhận định, họ đã nâng bậc khuyến nghị của các cổ phiếu “giảm tỷ trọng” lên “tăng tỷ trọng” trong năm 2019, trong khi cổ phiếu Mỹ đã bị hạ bậc xuống “giảm tỷ trọng”.

“Chúng tôi nghĩ thị trường con gấu đã gần như chấm dứt đối với các thị trường mới nổi”, Morgan Stanley cho biết trong báo cáo công bố ngày 25/11/2018, ngụ ý rằng thị trường mới nổi có thể sớm tăng trở lại. “Chúng tôi đang gia tăng tỷ trọng ở các thị trường mới nổi”.

Nhiều nhà đầu tư đã tháo chạy ra khỏi các thị trường mới nổi trong suốt năm 2018 và mua thêm tài sản ở Mỹ, vì đà tăng của lợi suất trái phiếu và đà tăng của đồng bạc xanh. Cùng lúc đó, những vấn đề tài chính ở những quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina đang leo thang – qua đó cho nhà đầu tư thêm lý do để bán tống bán tháo tài sản ở các thị trường này.

Kết quả là chỉ số MSCI Emerging Markets Index – vốn đo lường cổ phiếu ở 24 thị trường mới nổi – đã giảm 16% trong năm 2018. Thế nhưng, theo kịch bản cơ sở của Morgan Stanley, chỉ số này được dự báo tăng 8% cho tới tháng 12/2019 (từ mức hiện nay), vượt dự báo tăng 4% của S&P 50 0vaf MSCI Europe Index.

Sở dĩ, Morgan Stanley tỏ ra ưa chuộng cổ phiếu ở các thị trường mới nổi hơn so với Mỹ là vì họ dự báo các nền kinh tế nơi đây sẽ tăng trưởng ổn định trong năm 2019, còn kinh tế Mỹ có khả năng giảm tốc.

Ngân hàng đầu tư này dự báo, tăng trưởng Mỹ sẽ giảm từ mức ước tính 2.9% trong năm nay xuống 2.3% trong năm 2019 và 1.9% trong năm 2020. Đà giảm tốc như thế có thể tác động tiêu cực tới triển vọng của đồng bạc xanh và nhờ đó, một số thị trường mới nổi có khoản nợ bằng đồng USD có thể thở phào nhẹ nhõm phần nào.

Đặt lên bàn cân so sánh, tăng trưởng ở các thị trường mới nổi được dự báo giảm nhẹ từ 4.8% trong năm nay xuống 4.7% trong năm 2019, trước khi tăng lên 4.85 trong năm 2020, Morgan Stanley cho biết trong báo cáo.

Bỏ tiền vào đâu trong năm 2019?

Ở các thị trường mới nổi, Morgan Stanley cho biết, các quốc gia được đánh giá “tăng tỷ trọng” là Brazil, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Peru và Ba Lan. Trong khi đó, những quốc gia bị đánh giá thấp là Mexico, Philippines, Colombia, Hy Lạp và các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE).

Ngoài ra, Morgan Stanley cũng khuyến nghị những “cổ phiếu giá trị” hơn là “cổ phiếu tăng trưởng” trên toàn cầu. Các cổ phiếu giá trị ý muốn nói tới cổ phiếu của những công ty niêm yết đang được giao dịch ở mức giá thấp hơn mức giá nội tại của công ty. Trong khi đó, các cổ phiếu tăng trưởng là cổ phiếu của các công ty có tiềm năng tăng trưởng lớn.

“Chúng tôi nhận thấy các cổ phiếu giá trị tập trung ở nhóm ngân hàng, nguyên vật liệu, năng lượng và tiện ích (xếp theo thứ tự ưu tiên)”, Morgan Stanley cho hay. Ngân hàng đầu tư này nói thêm, họ cũng đề xuất tăng tỷ trọng ở cả 4 lĩnh vực trên, nhưng lại không mấy lạc quan về lĩnh vực công nghệ, y tế và tiêu dùng.

Trong báo cáo triển vọng, Morgan Stanley cũng đề cập tới một ý tưởng khác là đầu tư mạnh nhóm công ty kim loại và khai khoáng.

Dù vậy, nhìn chung, họ không quá lạc quan với thị trường cổ phiếu toàn cầu. Morgan Stanley đánh giá "trung lập" với loại tài sản này trong năm 2019, tương tự trái phiếu Chính phủ. Họ điểm ra ba yếu tố "làm giảm sự hứng thú đối với cổ phiếu". Một là các rủi ro suy giảm với tăng trưởng toàn cầu năm tới. Hai là lợi nhuận các công ty có khả năng đi xuống đáng kể, đặc biệt tại Trung Quốc và châu Âu. Cuối cùng là sức ép từ tăng lương và chi phí đi vay tăng, khiến tăng trưởng EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu) bị hạn chế.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma