Dầu WTI tăng liền 6 phiên lên cao nhất kể từ tháng 11/2018

21/02/2019 06:48

Các hợp đồng dầu thô tương lai đánh dấu mức đóng cửa cao nhất trong 3 tháng vào ngày thứ Tư (20/02), trong đó dầu WTI nới rộng đà tăng sang phiên thứ 6 liên tiếp, khi các dấu hiệu về sự thắt chặt nguồn cung toàn cầu đã lấn át sức ép từ sự gia tăng sản lượng tại Mỹ, MarketWatch đưa tin.

Dầu WTI tăng liền 6 phiên lên cao nhất kể từ tháng 11/2018

Các hợp đồng dầu thô tương lai đánh dấu mức đóng cửa cao nhất trong 3 tháng vào ngày thứ Tư (20/02), trong đó dầu WTI nới rộng đà tăng sang phiên thứ 6 liên tiếp, khi các dấu hiệu về sự thắt chặt nguồn cung toàn cầu đã lấn át sức ép từ sự gia tăng sản lượng tại Mỹ, MarketWatch đưa tin.

“Thị trường đã chứng kiến 2 rào cản nguồn cung xuất hiện song song”, Peter Hanks, Chuyên gia phân tích tại DailyFX, nhận định. Theo đó, Tổng thống Nigeria, Muhammadu Buhari, tuyên bố đang xem xét cắt giảm sản lượng dầu thô để theo đuổi giá dầu tăng cao. Ông Hanks nói rằng “quyết định này cho thấy nỗ lực của các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhằm bổ sung cắt giảm sản lượng gần đây, một động thái do OPEC đề xuất.

Bên cạnh đó, Saudi Aramco cho biết sẽ tạm thời đóng cửa nhà máy lọc dầu Yanbu với công suất 400,000 thùng/ngày để bảo dưỡng, ông Hanks cho hay.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 3 trên sàn Nymex tiến 83 xu (tương đương 1.5%) lên 56.92 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 12/11/2018, dữ liệu từ Dow Jones Market cho thấy. Hợp đồng này đã hết hạn vào cuối phiên ngày thứ Tư. Hợp đồng dầu WTI giao tháng 4 tăng 71 xu (tương đương 1.3%) lên 57.16 USD/thùng.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 4 trên sàn Luân Đôn cộng 63 xu (tương đương 1%) lên 67.08 USD/thùng, sau khi dao động tại mức thấp trong phiên là 65.63 USD/thùng.

Giá dầu đã tìm thấy hỗ trợ từ sự lạc quan ngày càng tăng rằng Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại, cũng như nhờ bằng chứng cho thấy nguồn cung toàn cầu bị thu hẹp vì động thái cắt giảm sản lượng dẫn đầu bởi OPEC.

Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã được nối lại trong tuần này tại Washington. Tổng thống Mỹ Donald Trump đang hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận trước thời hạn ngày 01/03 khi các lệnh áp thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực. Nhà đầu tư lo ngại rằng việc không đạt được một thỏa thuận nào sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế vĩ mô trong tương lai, dầu đã tương quan nhiều hơn với chứng khoán trong những tuần gần đây.

Ông Trump thậm chí còn nói rằng thời hạn ngày 01/03 có thể linh hoạt, một động thái cập nhật đã giúp chứng khoán Mỹ nhảy vọt, qua đó hỗ trợ các thị trường rủi ro nói chung.

“Trong dài hạn, thị trường tiếp tục tìm kiếm hỗ trợ vững chắc về triển vọng tăng trưởng toàn cầu, với dữ liệu kinh tế yếu kém của châu Âu đối mặt cùng một số sự lạc quan thận trọng xung quanh đàm phán thương mại Mỹ - Trung”, Robbie Fraser, Chuyên gia phân tích hàng hóa toàn cầu tại Schneider Electric, nhận định.

Trong khi đó, “vấn đề nguồn cung của thị trường tiếp tục tập trung vào việc cắt giảm sản lượng của OPEC cùng với các đồng minh và sự gia tăng tiếp tục của sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ, vốn đã bị đình trệ một chút sau khởi đầu mạnh mẽ hồi đầu năm”, ông Fraser cho hay.

Hôm thứ Ba (19/02), báo cáo định kỳ hàng tháng của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã dự báo sản lượng dầu từ 7 mỏ dầu đá phiến lớn nhất nước Mỹ sẽ tăng 84,000 thùng/ngày trong tháng 3/2019 lên 8.398 triệu thùng/ngày.

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng xăng giao tháng 3 vọt 2.2% lên 1.598 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 3 cộng 1.2% lên 2.018 USD/gallon.

Trong khi đó, hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 3 lùi 1% xuống 2.636 USD/MMBtu.

An Trần

Fili

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma