Đẩy mạnh xuất khẩu xi măng - những ý kiến trái chiều

18/04/2019 14:00

Xuất khẩu xi măng liên tục tăng trưởng cả về sản lượng và giá trị, song, khi nhìn lại thì việc sản xuất xi măng một mặt ảnh hưởng đến tài nguyên, mặt khác gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường. Câu hỏi đặt ra là liệu có nên đẩy mạnh sản xuất và phát triển xuất khẩu xi măng?

Đẩy mạnh xuất khẩu xi măng - những ý kiến trái chiều

Xuất khẩu xi măng liên tục tăng trưởng cả về sản lượng và giá trị, song, khi nhìn lại thì việc sản xuất xi măng một mặt ảnh hưởng đến tài nguyên, mặt khác gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường. Câu hỏi đặt ra là liệu có nên đẩy mạnh sản xuất và phát triển xuất khẩu xi măng?

Trong ngành công nghiệp sản xuất xi măng trên thế, Việt Nam đứng top 10 về công suất, sản lượng mỗi năm vào khoảng 94 - 95 triệu tấn so với kế hoạch 100 triệu tấn. Mặc dù đứng top 10 nhưng nếu so sánh với những hãng lớn như Holcim (Thuỵ Sỹ) thì chỉ bằng một nửa hay so với gần 3 tỷ tấn của Trung Quốc hiện nay vẫn còn “rất bé”.

Theo số liệu của Hiệp hội xi măng Việt Nam, 2 tháng đầu năm 2019, sản lượng xuất khẩu xi măng, clinker trong 2 tháng đầu năm 2019 đạt 5.37 triệu tấn, tương đương 228 triệu USD (giá bình quân 42 USD/tấn), tăng 7.4% về lượng và 29.9% trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

Riêng trong tháng 2/2019, xuất khẩu xi măng và clinker tiếp tục tăng mạnh, đạt khoảng 2.5 triệu tấn với trị giá 105 triệu USD. Philippines, Trung Quốc, Bangladesh vẫn là 3 thị trường chủ lực xuất khẩu xi măng của Việt Nam với 2.1 triệu tấn trong tháng 1/2019, chiếm thị phần hơn 75% tổng sản lượng xuất khẩu xi măng và clinker cả nước.

Việc phát triển ngành công nghiệp xi măng hiện nay có nhiều quan điểm trái chiều. Việt Nam có khoảng 3 tỷ tấn đá để sản xuất xi măng (hàm lượng 48 - 52% can xi) và đất sét (đất cilic) để sản xuất xi măng. “Nguồn nguyên liệu của mình giàu, có thể duy trì sản xuất vài trăm năm”, ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết. Thế nhưng việc sản xuất xi măng có mặt trái là gây ô nhiễm môi trường. Đây là vấn đề có nên đẩy mạnh sản xuất ngành xi măng hay không?

Theo ông Nam, “chúng ta phát triển ngành xi măng có kiểm soát. Tính theo quy hoạch 120 triệu tấn xi măng mỗi năm (tập trung ở vùng trọng điểm phía Bắc), nhu cầu của nước mình 1,000 kg/người/năm (tương đương 120 triệu dân). Có năm mình sẽ xuất khẩu. Chuyện xuất khẩu cũng bình thường theo xúc tiến thương mại toàn cầu, cái nào có thế mạnh thì xuất, không có thế mạnh thì nhập. Chúng ta quản lý bằng quy hoạch và công nghệ.”

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng nói thêm, việc bảo vệ tài nguyên môi trường cũng được đặt ra và ngày càng siết chặt lại. “Ví dụ như trước đây, những nhà máy ở Việt Nam được cấp mỏ đất hay mỏ đá sẽ được cấp luôn vòng đời dự án từ 25 - 30 năm, cấp đại thể là như thế. Tuy nhiên, bây giờ chúng tôi đang đề xuất cấp cụ thể khai thác theo từng năm. Ở Pháp, Đức, phá 1 cây rừng thì doanh nghiệp làm xi măng phải trồng lại 3 - 5 cây”, ông Nam dẫn ví dụ.

Về công nghệ sản xuất, hệ thống quan trắc 24/24 giúp người dân ở khu vực gần nhà máy sản xuất xi măng có thể kiểm tra lượng khí thải xả ra môi trường. Vừa rồi, Trung Quốc đóng cửa 300 triệu tấn xi măng là đóng cửa những nhà máy công suất nhỏ và không đảm bảo môi trường. Nhưng quốc gia này vẫn còn hơn 2 tỷ tấn xi măng sản xuất theo công nghệ hiện đại. Điều này để nói lên rằng, vẫn còn dư địa cho sản xuất xi măng theo công nghệ hiện đại, đảm bảo yếu tố môi trường.

Tất nhiên ở Việt Nam, không loại trừ trường hợp một số doanh nghiệp chạy thiết bị lọc bụi ban ngày và tắt vào ban đêm – thời gian người dân đi ngủ để “tranh thủ” xả “một ít” bụi ra môi trường. Và như ông Nam nói, đó là "tính xấu”.

Có nên xuất khẩu và xuất khẩu bao nhiêu là vừa?

Việt Nam hiện đang xuất khẩu nhiều mặt hàng trên thế giới như dệt may, lương thực, hải sản, đồ gỗ, giày da,… Do đó, việc xuất khẩu là bình thường, thậm chí còn tìm thị trường để xuất khẩu. “Nhưng xuất khẩu xi măng không phải cái mong muốn lắm bởi khối lượng rất lớn và có vấn đề về tài nguyên”, ông Nam nói.

Vậy xuất khẩu bao nhiêu là vừa phải? “Cũng như dầu - tài nguyên Việt Nam xuất khẩu 100%, tỷ lệ 20 - 30% trong tổng sản lượng xuất khẩu tôi cho là vừa phải. Khi đó, thị trường xuất khẩu nếu có xuống thì 80% còn lại ở đây nếu tính theo công suất dự án, các doanh nghiệp đã thu hồi được vốn, trả được khấu hao và lãi vay”. Như vậy đồng nghĩa với việc, nếu có cơ hội thì xuất khẩu, còn không thì lợi nhuận có thể giảm xuống nhưng vẫn đảm bảo được sức sống của doanh nghiệp.

4 tỷ viên đất sét nung/năm mất 2,000 ha đất

Liên quan đến yếu tố môi trường nên hiện nay xu hướng sản xuất vật liệu xây dựng nghiêng về hướng bảo vệ môi trường hơn. Tuy nhiên, giá thành của những sản phẩm này tương đối cao, dẫn đến khó khăn ở bài toán đầu ra.

Việt Nam hiện nay mới sản xuất và tiêu dùng khoảng 25 tỷ viên gạch đất sét nung nhưng với đà phát triển này có thể tăng lên 40 tỷ viên/năm. Để sản xuất 40 tỷ viên đất sét nung phải mất 2,000 ha đất, tương đương với diện tích 1 xã. Như vậy, nếu chúng ta dùng đất sét nung thì 1 năm chúng ta tiêu mất 1 xã.

Thêm vào đó, để nung ra 40 tỷ viên gạch đất sét nung này phải mất khoảng 60 triệu tấn than. Trong năm 2018, Việt Nam khai thác được hơn 30 triệu tấn than, không đủ để đốt các nhà máy nhiệt điện. Chưa kể, khi đốt 60 triệu tấn than này sẽ thải ra môi trường khoảng 170 tấn CO2.

Bên cạnh đó, riêng lượng xỉ từ đốt than khoảng hơn 20%, tương đương 10 triệu tấn xỉ. Trong khi mỗi năm Việt Nam có khoảng 30 triệu tấn xỉ các loại (xỉ từ hóa chất, các mỏ đá), nếu đổ vào các bãi chứa sẽ mất hàng ngàn héc ta đất.

Trước những thực trạng về môi trường nói trên, xu hướng các nước trên thế giới chuyển hướng sang sử dụng các vật liệu xây dựng không nung, tức là không dùng đất sét để nung ra.

Ông Nam cho biết, “Việt Nam gần như là nước duy nhất ở Đông Nam Á dùng gạch ngói nung, trong khi Thái Lan, Lào, Campuchia đều dùng gạch không nung hết. Ở Mỹ, nhà giàu người ta mới xây nhà bằng gạch đỏ. Nhà mình rất bảo thủ và lạc hậu”.

Công nghệ của Đức và Trung Quốc hiện nay đã sản xuất ra được các gạch không nung, nhẹ, nổi trên nước và cách âm cách nhiệt rất tốt. Công nghệ sản xuất mới sẽ làm giá gạch tăng cao hơn.

Thế nhưng, giá gạch đỏ đắt không phải do chi phí đắt mà phần nhiều do thuế. Trừ những công ty lớn sản xuất mấy trăm triệu viên gạch mỗi năm, còn lại các cơ sở sản xuất địa phương không phải nộp thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp nên các hộ gia đình sản xuất rất nhiều. Giá thành có cao hơn nhưng hiệu quả kinh tế không bằng.

Trung Quốc đã dùng biện pháp hành chính thông qua việc công bố danh sách 400 thành phố cấm các hành vi sản xuất, sử dụng, vận chuyển, lưu trữ gạch nung nhằm mở rộng thị trường gạch không nung.

Về phía Việt Nam, để hỗ trợ ngành vật liệu xây dựng nói chung và gạch không nung nói riêng, ông Nam thông tin Nhà nước đã có quy định rõ ràng. Trong đó, tất cả các công trình xây sử dụng vốn ngân sách Nhà nước đều phải sử dụng gạch không nung (từ trường học, trụ sở, bệnh viện). Đối với những dự án tư nhân thì yêu cầu những nhà cao từ 9 tầng trở lên sử dụng ít nhất 30% gạch không nung, hỗ trợ nhà sản xuất không mất tiền thuê đất, đi vay vốn ưu đãi… hướng đến mục tiêu chiếm 30% gạch không nung vào năm 2020.

Nguyên Ngọc

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma