Dịch bệnh Corona - Tái Ông thất mã?

16/03/2020 10:30

Hoảng loạn, hỗn loạn và cuồng loạn là một tác phẩm mô tả lại 400 năm lịch sử các cuộc khủng hoảng tài chính, khi cho rằng rất nhiều cuộc khủng hoảng lại xuất phát từ những hành vi phi lý của con người, ví dụ như sự điên cuồng và hoảng loạn. Những ngày qua, các thị trường dường như đang phản ứng đúng như thế.

Dịch bệnh Corona - Tái Ông thất mã?

Hoảng loạn, hỗn loạn và cuồng loạn là một tác phẩm mô tả lại 400 năm lịch sử các cuộc khủng hoảng tài chính, khi cho rằng rất nhiều cuộc khủng hoảng lại xuất phát từ những hành vi phi lý của con người, ví dụ như sự điên cuồng và hoảng loạn. Những ngày qua, các thị trường dường như đang phản ứng đúng như thế.

Mọi thứ đã thay đổi

Trăm năm có một, họa hoằn lắm thế hệ chúng ta mới chứng kiến những biến động mang tính lịch sử của toàn bộ nền kinh tế nói chung và các thị trường tài chính nói riêng. 100 năm trước, dịch cúm Tây Ban Nha gây ra nỗi khiếp sợ khắp toàn cầu, ngày hôm nay dịch Covid-19 thậm chí còn gây ra nỗi sợ hãi lớn hơn, với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông và mạng xã hội, dù tính sát thương cho đến thời điểm này vẫn còn thua xa đại dịch cách đây 100 năm.

Nếu so sánh với quá khứ, mọi thứ hiện nay đã thay đổi quá nhiều. Ngoài câu chuyện truyền thông mang đến những thực tế của đại dịch đã và đang diễn ra, gây nỗi sợ hãi lan tràn, thêm vào đó, với sự đóng góp tích cực của hàng loạt tin tức giả mạo. Ngoài ra, người ta còn có lý do để lo sợ nhiều hơn là vì nền kinh tế toàn cầu hiện nay đã có sự liên hệ, gắn bó quá chặt chẽ, các chuỗi cung ứng đi theo lộ trình toàn cầu hóa đến mức khó có thể đảo ngược, quan hệ giao thương đa dạng và rộng khắp, đã khiến không quốc gia nào có thể tách riêng ra khỏi sự phát triển chung của thế giới.

Ngành công nghiệp hàng không và du lịch phát triển mạnh mẽ cũng khiến các mầm bệnh dịch không còn chỉ xuất hiện cục bộ, hay dễ dàng ngăn chặn như trước đây. Tầng lớp trung lưu mở rộng, thu nhập tăng cao, số lượng công dân toàn cầu tăng lên càng khiến các hoạt động di trú và lưu trú ở nước ngoài trở nên phổ biến hơn nhiều so với 100 năm trước. Vì vậy, “hiệu ứng cánh bướm” sẽ ngày càng có mức độ phá hủy lớn hơn là điều dễ hiểu.

Dù vậy, mọi thứ không chỉ toàn tiêu cực. Nền y tế thế giới ngày nay đã phát triển vượt bậc so với cách đây 100 năm. Nếu như dịch cúm Tây Ban Nha đã khiến hơn 100 triệu người chết và phần lớn trong số đó, ngay cả các Chính phủ vẫn không hiểu lý do tại sao, thì dịch Covid-19 lần này có những công cụ và phương pháp giúp chúng ta nhanh chóng xác định người nhiễm bệnh và có phương án hỗ trợ, phác đồ điều trị nhanh chóng.

Các phương tiện truyền thông hiện đại một mặt mang đến nỗi sợ hãi nhưng ở mặt khác cũng góp phần cảnh báo mỗi người phải tự phòng ngừa, đồng thời, giúp các nhà quản lý và mỗi cá nhân nhanh chóng nắm bắt những thông tin, dữ liệu và thông báo cho nhau khi cần thiết. Ở tầng nấc cao hơn, những nghiên cứu chế tạo vắc xin hay các giải pháp chữa trị chắc chắn sẽ có kết quả sớm hơn so với các đại dịch lịch sử trước đây.

Tái Ông thất mã

Câu chuyện “Tái Ông thất mã” nổi tiếng đã cho chúng ta một đạo lý uyên thâm về phúc họa đồng hành, trong họa có phúc, trong phúc có họa. Hay nói cách khác, khi có họa thì ắt cũng đã có mầm phúc ẩn chứa trong đó, khi có phúc thì ắt cũng đã có mầm họa tiềm tàng bên trong. Hiểu được lẽ vô thường đó để tự tin trong suy nghĩ, tâm lý của mình, không quá hoảng loạn trước mọi tình huống.

Câu chuyện “Tái Ông thất mã” nổi tiếng đã cho chúng ta một đạo lý uyên thâm về phúc họa đồng hành, trong họa có phúc, trong phúc có họa. Ảnh minh họa

Thật vậy, trước một sự kiện hay vấn đề nào đó, luôn tồn tại tính hai mặt, tiêu cực lẫn tích cực, có thể tùy thuộc vào vị trí, tính cách của người quan sát. Dịch Corona và những ảnh hưởng lên nền kinh tế là không thể tránh khỏi, các thị trường lao dốc mạnh là điều tất yếu, tâm lý nhà đầu tư sợ hãi là phản ứng thông thường,…nhưng có thể vẫn còn đó những tác động tiềm tàng làm thay đổi nhiều thứ theo chiều hướng tốt hơn trong dài hạn.

Đơn cử như nhờ có dịch bệnh này mới thấy rằng nền kinh tế toàn cầu đang phụ thuộc vào chuỗi cung ứng lẫn thị trường tiêu dùng của Trung Quốc như thế nào. Một khi công xưởng của thế giới lâm bệnh, nhiều quốc gia cũng điêu đứng. Chính vì vậy, lãnh đạo của nhiều nền kinh tế nhận ra rằng việc chuyển dịch các cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ là điều đúng đắn và chưa bao giờ khẩn trương như lúc này.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gần 2 năm qua đã kích hoạt làn sóng này, và thực tế nhiều doanh nghiệp toàn cầu đã di tản, dàn trải các nhà máy, kênh phân phối ra nhiều quốc gia khác nhau để tránh rủi ro hóa tập trung, nhưng nhờ có dịch bệnh nên càng thúc đẩy xu hướng trên tiếp tục mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp, quốc gia trước đây vẫn chần chừ giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nay đã có thêm động lực để quyết định vì mục tiêu dài hạn hơn trong tương lai.

Tuy dịch bệnh Corona gây ra những thiệt hại nặng nề lên nền kinh tế, nhưng cũng đã giúp nhiều doanh nghiệp phải tự nhìn nhận lại hoạt động hiện nay của mình. Với những doanh nghiệp nào lạc quan, đây được xem là cơ hội để tái cấu trúc mô hình kinh doanh, chuỗi cung ứng, thị trường đầu ra. Thực tế cho thấy, nhiều công ty từ lâu đã luôn muốn tái cấu trúc, cắt giảm bớt nhân sự, nhưng chưa dám mạnh tay, thì đây trở thành thời cơ để hành động. Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh, sản xuất trì trệ, nhiều doanh nghiệp lựa chọn thời gian trống để đào tạo, nâng cấp tay nghề cho người lao động, có lẽ là lựa chọn phù hợp.

Dịch bệnh cũng là lý do hợp lý để nhiều thực thể, doanh nghiệp giải thích cho việc không thể hoàn thành kế hoạch và chủ động làm chậm lại hoạt động kinh doanh, đánh giá rủi ro tiềm ẩn và thực chất hơn. Trong nhiều năm qua, khi nền kinh tế tăng trưởng thuận lợi, nhiều công ty phình to quá nhanh, kế hoạch năm sau đặt ra luôn phải tăng trưởng vượt bậc, khiến áp lực chạy đua để hoàn thành kế hoạch ngày càng đè nặng lên bộ máy lãnh đạo, trong khi bộ máy quản trị không theo kịp, khiến rủi ro ngày càng tích lũy khó lường, chỉ chực chờ bùng nổ.

Dịch bệnh lần này là điều kiện thúc đẩy quá trình đào thải và chọn lọc diễn ra. Theo đó, những doanh nghiệp nào thực sự khỏe mạnh mới có thể tồn tại để tiếp tục phát triển, thích ứng với nền kinh tế trong thời đại mới, mà dự báo sẽ có những thay đổi mang tính thời cuộc sau đại dịch . Đây cũng là lúc mà những tập đoàn lớn đang phụ thuộc quá nhiều vào nợ vay phải tìm cách tái cấu trúc bảng cân đối, lành mạnh hóa dòng tiền, thu gọn lại các mảng kinh doanh nhằm tối ưu hóa và hiệu quả hơn. Ngược lại, những doanh nghiệp nào đang có lượng tiền mặt lớn, thì đây trở thành cơ hội để đi thâu tóm tài sản với giá rẻ.

Dịch bệnh lần này có thể đào thải và chọn lọc lại theo thuyết tiến hóa của Darwin, theo đó những doanh nghiệp nào thực sự khỏe mạnh mới có thể tồn tại để tiếp tục phát triển, thích ứng với nền kinh tế trong thời đại mới, mà dự báo sẽ có những thay đổi mang tính thời cuộc sau đại dịch lần này.

Một điểm quan trọng là dịch Corona dù có tính chất lây lan mạnh mẽ và tính sát thương lại cao hơn đối với thành phần trên 60 tuổi. Điều này là rất đáng chú ý, vì nếu căn bệnh này đánh trực diện và gây ra những hậu quả nặng nề tập trung vào trẻ em hay người trong độ tuổi lao động, thì mất mác, tuyệt vọng cao độ sẽ dẫn đến những mầm mống rối loạn, khủng hoảng xã hội còn nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, lực lượng trong độ tuổi lao động vốn có sức đề kháng cao nên chống chọi tốt hơn, có khả năng giúp nền kinh tế không bị đứt quãng, tê liệt hoàn toàn, cũng như đủ bản lĩnh để mọi thứ sẽ phục hồi nhanh chóng sau khi những điều tồi tệ nhất đã qua đi.

Trước những rủi ro, bất ổn và tính không chắc chắn, sức cầu tiêu dùng sẽ suy yếu là tất nhiên , thay vào đó, người dân sẽ thắt chặt chi tiêu và ưu tiên tiết kiệm để đề phòng những bất trắc. Hệ quả là dòng tiền có thể dồn vào trú ẩn tại ngân hàng, mà xu hướng thực tế đã diễn ra trong những tuần gần đây. Điều này mang lại cơ hội cho các nhà băng có thể giảm lãi suất, từ đó hỗ trợ cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng.

Các Chính phủ, ngân hàng trung ương cũng đã bắt đầu hành động mạnh mẽ, khi triển khai hàng loạt các gói hỗ trợ tài khóa, giảm lãi suất và kích thích tiền tệ, với giá trị ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng cách đây hơn 10 năm. Mọi sự hỗn loạn rồi sẽ dừng lại, khi người ta nhận ra rằng nỗi sợ hãi đã phóng đại những thiệt hại thực tế.

Đối với các thị trường tài sản, sau những ngày lao dốc không phanh sẽ đến lúc mà tâm lý trở nên trơ lỳ trước các tin xấu, những nhà đầu tư chán nản cùng cực và ngừng mọi hoạt động bán ra, chấp nhận ôm lỗ và đánh cược với thời gian, dù có thể tính bằng năm. Khi đó bất kỳ tin tốt nào dù rất nhỏ nhoi và hiếm hoi cũng có thể trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý, như là ánh sáng cuối đường hầm. Lúc đó, dòng tiền lớn có thể đã âm thầm chảy vào.

Phan Thụy

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma