Giá dầu cao có tiếp tục đẩy giá cổ phiếu dầu khí?

17/10/2018 09:01

Trong quý vừa qua, nhiều cổ phiếu dầu khí có mức tăng đến 50%, trong bối cảnh giá dầu tăng mạnh. Và, đà tăng giá dầu vẫn chưa dừng lại. Nhiều dự báo cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, hỗ trợ tình hình kinh doanh cũng như cổ phiếu của các doanh nghiệp dầu khí.

Giá dầu cao có tiếp tục đẩy giá cổ phiếu dầu khí?

Trong quý vừa qua, nhiều cổ phiếu dầu khí có mức tăng đến 50%, trong bối cảnh giá dầu tăng mạnh. Và, đà tăng giá dầu vẫn chưa dừng lại. Nhiều dự báo cho rằng giá dầu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, hỗ trợ tình hình kinh doanh cũng như cổ phiếu của các doanh nghiệp dầu khí.

Nguồn cung thắt chặt báo hiệu triển vọng giá dầu cao hơn

Trong báo cáo mới về ngành dầu khí, CTCK Bản Việt (VCSC) cho biết nguồn cung dầu dự kiến sẽ ở mức vừa phải trong 2 năm tới, dẫn đến triển vọng giá dầu cao hơn. Thứ nhất, các nước OPEC và đồng minh đã họp ngày 23/9 về việc tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày (cam kết vào ngày 22/6), nhưng không đưa ra kế hoạch hành động lập tức. OPEC hài lòng với giá dầu trong khoảng 70-80 USD/thùng nhằm duy trì cân bằng cung - cầu, cũng như đảm bảo tình trạng cân bằng này có lợi cho người tiêu dùng. Thứ hai, sản lượng xuất khẩu của Iran giảm mạnh từ tháng 8 đến nay sau khi các khách hàng lớn tại châu Á giảm nhập khẩu dầu từ nước này, do Mỹ dự định áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran vào tháng 11 tới. Thứ ba, ngành dầu đá phiến (shale) gặp phải một số vấn đề kỹ thuật, trục trặc đường ống và chi phí gia tăng, đặt ra rủi ro ngắn hạn đối với sản lượng.

Về phía cầu, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu thô sẽ tăng 1.4 triệu thùng/ngày (1.4%) năm 2018 và 1.5 triệu thùng/ngày (1.5%) năm 2019. Tuy nhiên, OPEC đã điều chỉnh giảm mức tăng nhu cầu dầu thế giới năm 2019 xuống còn 1.4 triệu thùng/ngày do lo ngại về sự chững lại của các nền kinh tế mới nổi và các căng thẳng về thương mại, điều này có thể khiến giá dầu trung bình không vượt quá 80 USD/thùng.

Cổ phiếu dầu khí tăng chóng mặt trong quý vừa qua

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu dầu khí thời gian qua liên tục đi lên với thanh khoản dồi dào, dẫn dắt đà tăng chung của VN-Index. Điển hình, trong quý tính đến hết ngày 16/10, giá cổ phiếu của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HOSE: PVD) tăng hơn 50%, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS) tăng hơn 30%, Tổng CTCP Khí Việt Nam (HOSE: GAS) tăng gần 50%.

Biến động giá cổ phiếu PVD, PVS, GAS (tính đến hết ngày 16/10/2018)

PVD
PVS
GAS

Nguồn: VietstockFinance

PVD đảm nhiệm hầu như tất cả dịch vụ khoan tại các mỏ dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), hơn nữa Công ty còn hoạt động trên trường quốc tế. Sau chuỗi ngày khó khăn, triển vọng dài hạn của tiền thuê ngày và hiệu suất cải thiện với giá dầu ổn định ở mức cao. Cùng hưởng lợi từ giá dầu cao và  ổn định, PVS ghi nhận tăng trưởng nhờ giá dịch vụ tăng. Đơn vị thu gom khí tại các mỏ và phân phối lại cho các doanh nghiệp khác trên thị trường là GAS cũng tăng trưởng mạnh cả về kinh doanh lẫn giao dịch. Trong 6 tháng đầu năm, giá dầu tăng 36% so với cùng kỳ năm trước đã đẩy giá bán các sản phẩm tăng tương ứng, nhờ đó lợi nhuận sau thuế (LNST) của GAS đạt xấp xỉ 5,817 tỷ đồng, tăng 41.5% so cùng kỳ.

Một số doanh nghiệp liên quan như CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR), Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX) hay Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans, HOSE: PVT), mặc dù không chịu tác động trực tiếp bởi giá dầu nhưng giá cổ phiếu cũng đi lên đáng kể với mức tăng lần lượt hơn 18%, 17% và 20%.

Đà tăng đang chững lại

Tuy nhiên, những tuần qua, đà tăng giá của cổ phiếu dầu khí đã chững lại hoặc giảm giá. Trong báo cáo gần nhất về ngành dầu khí, VCSC đã đưa ra khuyến nghị kém khả quan đối với PVD, PLX và khuyến nghị phù hợp thị trường đối với PVS, GAS, BSR, chỉ đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PVT.

Với PVD, giá thuê ngày dự báo sẽ phục hồi chậm cho đến 6 tháng cuối năm 2019 do tình trạng dư cung giàn khoan tại Đông Nam Á.

Trong khi đó, triển vọng dài hạn PVS phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ các dự án phát triển khí lớn như Sao Vàng – Đại Nguyệt, Lô B, và Sư Tử Trắng – Giai đoạn 2. Tuy nhiên, PVS ít chịu ảnh hưởng của giá dầu hơn PVD vì lĩnh vực hoạt động đa dạng (tàu, cảng, kho nổi, cơ khí dầu khí…).

PLX nhìn chung tác động trung lập trước giá dầu. Về lý thuyết, nếu giá dầu tiếp tục tăng và biến động trong biên độ hẹp thì sẽ có lợi cho PLX vì tác động trễ giữa chính sách hàng tồn kho 30 ngày và điều chỉnh giá bán trung bình 15 ngày, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào công tác tạo nguồn của Công ty.

Còn với BSR, biên dầu (chênh lệch giữa giá bán thành phẩm như xăng, dầu diesel, Jet A1 và dầu thô) tiếp tục chịu áp lực giảm khi giá dầu liên tục tăng với biến động mạnh hơn và khó dự báo hơn trong khi giá bán thành phẩm chưa điều chỉnh. Tuy nhiên, nếu giá dầu thô ổn định tại mức cao và giá bán thành phẩm cuối cùng được điều chỉnh theo mức giá dầu thô cao này thì các sản phẩm của BSR (được miễn thuế nhập khẩu) nhiều khả năng sẽ cạnh tranh tốt hơn so với với các sản phẩm nhập khẩu (chịu thuế nhập khẩu 10%).

Điều chỉnh là hợp lý

Theo Giám đốc KIS chi nhánh Phạm Ngọc Thạch - ông Nguyễn Kim Chi, việc điều chỉnh của giá cổ phiếu dầu khí trong thời gian gần đây chỉ là điều chỉnh kỹ thuật, là bình thường khi nhà đầu tư chốt lời và sẽ điều chỉnh không sâu. Cổ phiếu ngành dầu khí vẫn rất đáng kỳ vọng.

Cổ phiếu dầu khí hưởng lợi từ việc giá dầu tăng. Năm 2018, giá dầu cao hơn nhiều so với năm 2017, với giá dầu Brent khoảng 85 USD/thùng. Nếu giá dầu thế giới tiếp tục tăng, cổ phiếu dầu khí sẽ còn khả năng tăng và vẫn là nhóm dẫn dắt thị trường.

Ngoài giá dầu, một số yếu tố sẽ có ảnh hưởng tích cực đến cổ phiếu ngành dầu khí như việc tái cơ cấu, tái cấu trúc, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp dầu khí. Một số doanh nghiệp tái cơ cấu có thể chuyển từ lỗ thành lời. Trong khi đó, việc thoái vốn nhà nước sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư mới, dòng tiền mới.

Tóm lại, nếu số liệu kinh doanh quý 3 khả quan, cổ phiếu dầu khí vẫn còn nhịp tăng. Việc điều chỉnh là hợp lý để tạo nền tảng cho cổ phiếu tích lũy, tiếp tục tăng trong thời gian tới.

 

Giá dầu cao hơn có ảnh hưởng tiêu cực không đáng kể đến các công ty hàng không

Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30-40% tổng chi phí của Tổng CTCP Hàng không Việt Nam (UPCoM: HVN) CTCP Hàng không VietJet (HOSE: VJC). Giá dầu thô cao hơn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động chính của Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA, chiếm dưới 75% lợi nhuận của HVN) và VJC.

Tuy nhiên, VCSC cho rằng HVN và VJC có thể chuyển mức chi phí đầu vào cao hơn sang cho hành khách qua vé máy bay, do HVN và VJC tiếp tục được hưởng điều kiện thị trường thuận lợi với chỉ 2 công ty cạnh tranh và giá vé máy bay trung bình vẫn duy trì ở dưới mức trần quy định (VNA thấp hơn 20% và VJC thấp hơn 50%).

Gia Nghi

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma