Không 'làm đẹp' số liệu thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát

20/02/2019 22:00

Ngày 20/2, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo về Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, theo đó nêu rõ mục đích là nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện phạm vi, quy mô nền kinh tế. Đồng thời khẳng định, việc thống kê là khách quan độc lập, với sự đánh giá của tổ chức quốc tế, từ đó có số liệu tốt phục vụ cho hoạt động điều hành của Chính phủ.

Không 'làm đẹp' số liệu thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát

Ngày 20/2, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo về Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, theo đó nêu rõ mục đích là nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện phạm vi, quy mô nền kinh tế. Đồng thời khẳng định, việc thống kê là khách quan độc lập, với sự đánh giá của tổ chức quốc tế, từ đó có số liệu tốt phục vụ cho hoạt động điều hành của Chính phủ.

Ngày 1/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát với 3 mục tiêu chính là: Đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê nói chung và nghiệp vụ biên soạn tài khoản quốc gia nói riêng, từng bước tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ thống kê quốc tế và góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với nền kinh tế.

 

Lãnh đạo Tổng cục Thống kê giải đáp về Đề án. Ảnh: VGP/Huy Thắng.

 

Giải đáp câu hỏi của báo chí liên quan đến việc khi thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ có thể làm đẹp về GDP dẫn đến những sai lệch về nợ công, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm khẳng định, ngành thống kê có trách nhiệm phản ánh trung thực bức tranh kinh tế - xã hội, không bị bất cứ áp lực nào để “làm đẹp số liệu” khi thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục Thống kê có trách nhiệm thu thập phản ánh rõ nhất quy mô của nền kinh tế, đây là nhiệm vụ phải làm trung thực, từ đó Chính phủ có thể căn cứ đưa ra chính sách và quyết sách hợp lý.

Cụ thể, ông Lâm cho rằng tỉ lệ nợ công/GDP của Việt Nam là 61,4% so với các nước khác trên thế giới chưa phải là vấn đề, nợ công/GDP mục tiêu được Quốc hội đề ra là không quá 65%. Khi điều chỉnh số liệu, thì cách thức điều hành vẫn căn cứ sát thực tiễn, do đó, không nên lo ngại việc thống kê làm tăng GDP sẽ khiến cơ quan điều hành đẩy mức nợ công lên cao ngoài mức kiểm soát.

“Việc thực hiện thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát có khó khăn, thách thức, Tuy nhiên, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành có liên quan và sẽ có lộ trình thực hiện cụ thể từng năm”, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nói.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định việc thống kê này là cần thiết vì hiện vẫn còn không ít hoạt động kinh tế chưa cập nhật được đầy đủ kết quả sản xuất kinh doanh do còn bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê.

Thực tế, các hoạt động kinh tế ngầm và hoạt động kinh tế bất hợp pháp cũng chưa được nhận diện một cách đầy đủ. Do đó, tính kịp thời, đầy đủ, chính xác của các chỉ tiêu tài khoản quốc gia và những chỉ tiêu kinh tế - xã hội liên quan của cả nước cũng như của các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế…

Ông Nguyễn Bích Lâm cũng đưa ra 6 giải pháp cơ bản để thực hiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát.

Trước tiên, đó là khảo sát, đánh giá cụ thể, chi tiết và toàn diện thực trạng các hoạt động kinh tế chưa được quan sát theo 5 nhóm hoạt động của ba khu vực kinh tế (Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ); loại hình sở hữu (Kinh tế Nhà nước, kinh tế ngoài Nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài); ngành, lĩnh vực; địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tiêu thức khác. Trên cơ sở đó, xây dựng Danh mục các hoạt động kinh tế chưa được quan sát.

Thứ hai, xây dựng, ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê nguồn thông tin đầu vào đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát, bảo đảm tính toàn diện và khả thi, phù hợp với khả năng thu thập thông tin của ngành Thống kê và các cơ quan…

Thứ ba, ngành thống kê tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê, góp phần nâng cao hiệu quả đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát. Sử dụng đồng thời ba hình thức: Điều tra thống kê, báo cáo thống kê và khai thác dữ liệu hành chính trong thu thập thông tin.

Thứ tư, cần tăng cường phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát giữa các bộ, ngành, địa phương.

Thứ năm, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế về đăng ký sản xuất kinh doanh, nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước và nghĩa vụ xã hội của các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế; quy định về sử dụng lao động, đào tạo nghề, cung cấp tín dụng, mức đóng và hưởng bảo hiểm xã hội…

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế về thống kê, cập nhật lý luận, phương pháp nghiệp vụ tiên tiến và kinh nghiệm đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát của các nước, hướng tới các chuẩn mực quốc tế.

Cũng tại buổi họp báo, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cũng cho biết thêm, khu vực kinh tế chưa quan sát ngày càng đa dạng, phức tạp và tồn tại trong nhiều lĩnh vực. Có không ít hoạt động kinh tế bị bỏ sót, do đó khu vực kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp chưa được nhận thức đầy đủ như hoạt động mại dâm, buôn bán ma túy hay hoạt động kinh doanh bất hợp pháp trong kinh tế ngầm hay buôn bán hàng giả, buôn lậu qua biên giới…

“Ở một số nước, hoạt động mại dâm là hoạt động được coi rất là bình thường như Hà Lan hay Thái Lan, họ quản lý hoạt động đó và đưa vào tính toán. Tất cả các hoạt động mang lại thu nhập theo khái niệm sản xuất là phải thu thập thông tin thống kê. Nhưng Việt Nam không thừa nhận hoạt động đó. Vì vậy, chúng tôi có thể sẽ xác định đó là hoạt động trong nhóm bất hợp pháp và chưa chắc Việt Nam đưa vào để tính toán”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ kỳ vọng việc Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, đồng thời yêu cầu tính toán GDP không được bỏ sót, để bảo đảm khách quan có thể mời tổ chức quốc tế như Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá độc lập về kết quả thống kê này.

Huy Thắng

BÁO CHÍNH PHỦ

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma