Lúa gạo lại chờ ‘giải cứu’

19/02/2019 08:20

Sau 2 năm thành công liên tiếp, đầu năm nay ngành lúa gạo quay trở lại điệp khúc chờ “giải cứu” bằng biện pháp thu mua tạm trữ. Giá lúa nhiều nơi hiện giảm trung bình khoảng 1.000 đồng/kg.

Lúa gạo lại chờ ‘giải cứu’

Sau 2 năm thành công liên tiếp, đầu năm nay ngành lúa gạo quay trở lại điệp khúc chờ “giải cứu” bằng biện pháp thu mua tạm trữ. Giá lúa nhiều nơi hiện giảm trung bình khoảng 1.000 đồng/kg.

Tạm trữ lúa gạo chỉ là giải pháp tình thế Ảnh: Công Hân

Doanh nghiệp than không tiền

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), có văn bản đề nghị các doanh nghiệp (DN) hội viên thực hiện thu mua dự trữ để góp phần thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo, bảo đảm hiệu quả cho nông dân. Ông Nam đưa ra 4 giải pháp: Thực hiện thu mua dự trữ lưu thông theo Nghị định 107/2018.

Đẩy nhanh tiến độ giao hàng cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết. Chủ động liên kết và hỗ trợ các hợp tác xã, các hộ nông dân sản xuất lúa thực hiện gửi kho tại các DN hội viên. Đề nghị các hội viên có ký kết hợp đồng bao tiêu với các hợp tác xã, các hộ nông dân trồng lúa thực hiện cam kết đã ký và tiến hành thu mua nhanh chóng.

Tuy nhiên, nhiều DN cho biết: 2 vấn đề lớn hiện nay là tiền để thu mua tạm trữ và đầu ra cho sản phẩm. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Q.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ), nói: “Hai năm qua tình hình thị trường thuận lợi, bán được giá cao. Cả DN và nông dân được lợi. Năm nay thị trường không tốt, DN không có hợp đồng nên không có tiền mua lúa cho dân. Dòng vốn của DN không đủ để thực hiện thu mua tạm trữ vì cái khó lớn nhất vẫn là đầu ra”.

Thực tế, từ cuối năm 2018, thị trường lúa gạo đã trầm lắng. Đến sau Tết âm lịch, vào vụ thu hoạch rộ nên giá lúa liên tục giảm. Theo các DN, năm 2018 xuất khẩu thuận lợi ngay từ đầu năm nhờ có thị trường Malaysia và Indonesia đẩy mạnh nhập khẩu. “Đầu năm nay hầu hết các thị trường đều yên ắng. Ngay cả thị trường quan trọng và tiềm năng nhất là Trung Quốc cũng chưa mở cửa dù trước đó họ đã đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản phẩm, kể cả bao bì. Vì thế, cái khó nhất của các DN là không có đầu ra, tiếp tục mua vào sẽ bị lỗ”, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty gạo Việt Hưng ở Tiền Giang, thừa nhận.

Phải tính đường dài

Theo các chuyên gia, thu mua tạm trữ chỉ là giải pháp tình thế. Thực tế cho thấy, chúng ta đã áp dụng rất nhiều lần nhưng nông dân vẫn không được hưởng lợi đáng kể, còn ngành lúa gạo vẫn không giải quyết được những vấn đề cốt lõi, chất lượng thương hiệu lúa gạo không được cải thiện, và một vài năm lại chờ giải cứu. Bài toán của ngành lúa gạo là phải xây dựng được cánh đồng liên kết giữa nhà nông với nhau và giữa nhà nông với DN thông qua các chính sách hỗ trợ của nhà nước, đặc biệt là vốn. Tình thế hiện nay một lần nữa cho thấy dung lượng của thị trường lúa gạo nhỏ và rất dễ rơi vào cảnh chờ giải cứu nếu chúng ta vẫn cứ tăng số lượng thay vì đầu tư vào chất lượng. Vì vậy ngành nông nghiệp và các địa phương phải xây dựng các mô hình chuyển đổi phù hợp, hiệu quả trên cơ sở giảm diện tích lúa.

"Muốn xây dựng được chuỗi liên kết, DN cần phải có vốn. Ngành nông nghiệp cũng có chủ trương, chính sách nhưng DN không vay được vốn để triển khai tổ chức sản xuất bao tiêu cho bà con nông dân. Nông dân thì sản xuất thuận lợi, làm bao nhiêu bán được bấy nhiêu nên cũng ít quan tâm tới việc liên kết với DN. Điểm yếu cũ lại bộc lộ trong khi thị trường hắt hơi, sổ mũi", ông Phạm Thái Bình nói.

Cuối tháng trước, Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) đã phê duyệt kế hoạch nhập khẩu gần 1,2 triệu tấn gạo; nhập khẩu các loại gạo 5% và 25% tấm. Các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ chịu thuế 35%, những nước ngoài khu vực sẽ chịu thuế 50%. Tuy nhiên thị trường nhìn chung vẫn ảm đạm, đặc biệt khi cả VN và Thái Lan đang vào vụ thu hoạch.

CHÍ NHÂN

THANH NIÊN

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma