Mạn đàm về COVID-19 và thị trường tài chính

25/02/2020 13:23

Điều cần quan tâm lúc này là phải làm sao để chống dịch, chứ không phải thúc đẩy tâm lý hoang mang. Điều này là cần thiết để đối phó với dịch bệnh thành công, chứ không phải là lạc quan "tếu". Tư duy chiến lược để chiến thắng dịch bệnh và bảo vệ nền kinh tế là lựa chọn duy nhất, càng hoang mang, sẽ càng thiệt hại, cả về con người và tài sản.

Mạn đàm về COVID-19 và thị trường tài chính

Điều cần quan tâm lúc này là phải làm sao để chống dịch, chứ không phải thúc đẩy tâm lý hoang mang. Điều này là cần thiết để đối phó với dịch bệnh thành công, chứ không phải là lạc quan "tếu". Tư duy chiến lược để chiến thắng dịch bệnh và bảo vệ nền kinh tế là lựa chọn duy nhất, càng hoang mang, sẽ càng thiệt hại, cả về con người và tài sản.

COVID-19 là loại virus nguy hiểm cho sức khoẻ?

Đúng. Đã hơn 80,000 người nhiễm, 2.7% trong đó đã tử vong, tính trên toàn thế giới.

Tất cả những ai nhiễm COVID-19 đều tử vong?

Sai. Đã có 27,564 người bình phục, chiếm 9.3% số người nhiễm, tỷ lệ bình phục cao hơn so với tỷ lệ tử vong.

Việt Nam là ổ bệnh COVID-19?

Sai. Hiện nay Trung Quốc và Hàn Quốc là hai quốc gia đang gặp khó khăn trong kiểm soát dịch bệnh. Việt Nam không nằm trong danh sách này. 16 ca nhiễm bệnh tại Việt Nam, 100% đã được chữa khỏi và xuất viện.

COVID-19 làm giảm tổng cầu hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam?

Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, đóng góp cao nhất cho tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019. Thị trường lớn thứ hai của là khu vực chung Châu Âu. Nếu COVID-19 bùng phát ở 2 khu vực vừa nêu mới thực sự ảnh hưởng vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Cần nhớ định hướng của Chính phủ Việt Nam lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng kinh tế cho năm 2020.

Đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu (điểm phần trăm, theo thị trường xuất khẩu). Nguồn: Hải quan Việt Nam

Theo số liệu thống kê liên tiếp 3 năm trở lại đây, giai đoạn 2017 - 2019, tổng cầu hàng hoá của thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc không chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam, đây chủ yếu là những thị trường mà Việt Nam nhập khẩu hàng hoá nguyên liệu, bán thành phẩm. Hàng hoá xuất khẩu ra các thị trường này không chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

COVID-19 ảnh hưởng ngay lên kết quả kinh doanh quý 1 năm 2020?

Chưa chắc. Giá cả nguyên liệu nhập từ Trung Quốc bị ảnh hưởng do đình trệ sản xuất theo chỉ đạo của chính quyền Tập Cận Bình trong nổ lực kìm hãm sự lây lan của COVID-19. Tuy nhiên, thống kê cho thấy trữ lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đạt giá trị rất cao, đặc biệt là trong quý 3 năm 2019. Khi xuất khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc bị ảnh hưởng do COVID-19, đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam giải phóng lượng hàng tồn kho này.

Tình hình hàng tồn kho của doanh nghiệp Việt đạt mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Nguồn: Theo số liệu của TCTK Việt Nam.

Cho nên, nếu COVID-19 được kiểm soát trong khoảng tháng 4/2019 như sự dự đoán của Tổng thống Mỹ Donald J. Trump thì trong ngắn hạn có yếu tố tích cực, còn trong trung hạn cần sự phối hợp của ngành y tế và Chính phủ chặn bằng được dịch bệnh thì mới giữ vững được tăng trưởng cho Việt Nam.

Phiên giao dịch ngày 24/02, VN-Index giảm gần 30 điểm là bất ngờ?

Bất ngờ ở nguyên nhân, không bất ngờ ở kết quả.

Nhà đầu tư bán tháo trên diện rộng trong phiên giao dịch ngày 24/2, nhiều mã tiết cầu, dư bán giá sàn từ phiên sáng. Nguyên nhân của nó khá bất ngờ khi dịch bệnh tăng tốc độ quá nhanh tại Hàn Quốc, một quốc gia có quan hệ kinh tế mạnh nhất của Việt Nam, đặc biệt là ở dòng vốn đầu tư FDI, Hàn Quốc là quốc gia sếp vị trí số 1 của về vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam liên tiếp trong 5 năm trở lại đây. Thị trường chứng khoán Hàn Quốc giảm hơn 3% trong phiên 24/2 cũng gây lo ngại cho hiệu ứng domino xảy ra liên thị trường.

Tuy nhiên, mức điều chỉnh của VN-Index khi trung hạn đang sideways đi ngang ở vùng 880-1,000 điểm là một vùng giá trị đánh dấu sự tăng trưởng thành công, không nhất thiết gì phải tăng bật đỉnh 1,200 điểm. Và mức điều chỉnh về quanh vùng 880 dưới góc độ phân tích kỹ thuật thì nó đã được kỳ vọng xảy ra, và khi mức điều chỉnh của thị trường xảy ra, nó có phần kịch tính thêm do COVID-19.

Chứng khoán Việt Nam rớt mạnh trong phiên 24/02 sau thông tin Covid-19 lan mạnh ở Hàn Quốc. Ảnh minh họa

Tiếp nối với việc giá vàng giao dịch ở 49 triệu đồng mỗi lượng là một minh chứng cho tâm lý hoảng loạn và sự tham gia mạnh mẽ của giới đầu cơ đẩy giá lên quá nóng. Tuy nhiên nếu quan sát kỹ giá vàng trong nước giao dịch có biên chênh lệch giữa mua và bán đến hơn 2 triệu đồng. Cụ thể giá vàng SJC của Vàng Bạc Đá Quý Sài Gòn niêm yết ở mức thu mua vào chỉ  47.8 triệu đồng/ lượng nhưng bán ra tới 49.02 triệu đồng/ lượng. Sức nóng của giá vàng đã đạt đến đỉnh lịch sử, và biên độ giao dịch lớn giữa giá thu mua và giá bán ra này càng cho thấy sự tham gia của giới đầu cơ, và tâm lý hoang mang đẩy giá lên cao không bền vững.

Vàng tăng giá do COVID-19?

Về quan điểm cổ điển, vàng là kim loại quý hiếm, là kênh trú ngụ khi kinh tế, chính trị bất ổn. Điều đó vẫn được duy trì cho đến ngày nay, nhưng tính quý hiếm của vàng không còn mang lại sự hấp dẫn cho loại tài sản này. Bởi sự phát triển của khoa học, những loại vật liệu hữu dụng và cần thiết chúng ta có thể sản xuất nhân tạo.

Đồng tiền fiat đã từ lâu thay thế cho vàng trong vai trò là phương tiện thanh toán, lưu trữ giá trị, niêm yết giá. Kỷ nguyên của fintech và công nghệ số trong tài chính đã bước sang một bước ngoặt mới, một ví dụ điển hình là Chính phủ Thụy Điển đã đột phá là quốc gia đầu tiên thử nghiệm tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới. Đồng tiền số e-krona của Thụy Điển là loại tiền số sử dụng công nghệ chuỗi khối, blockchain. Đó cũng là xu hướng tương lai của phương tiện lưu trữ giá trị tương lai của nhân loại, xu thế không nằm ở loại vàng cổ điển.

Vàng trước đây duy trì lâu dài ở mức 36 triệu đồng/lượng, sau đó bật tăng do căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, và căng thẳng địa chính trị Mỹ  và Trung Đông. Vàng tiếp tục bật ngưỡng 44 triệu đồng/lượng là do lo ngại COVID-19. Cho đến nay, vàng tăng đến sát mức 50 triệu đồng/lượng có thể nói là một mức tăng không bền vững, giao dịch ở trạng thái quá mua, và sẽ sớm đi vào điều chỉnh giảm nếu tình hình kinh tế chính trị vẫn không có thay đổi mới.

COVID-19 là một thử thách đối với sự bền vững của thị trường vốn Việt Nam?

Đúng. VN-Index tăng trưởng vượt mốc 1,200 điểm năm 2018, sau đó duy trì tạo nền giá ở vùng 880-1,000, đó là một sự tăng trưởng thành công và bền vững, đúng với bản chất kinh tế Vĩ Mô của Việt Nam. Năm 2018, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam đạt mức tăng cao nhất 11 năm, khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển. Năm 2019, Việt Nam tăng trưởng cao nhất trong khu vực ASEAN, mức tăng cao hơn cả mục tiêu của quốc hội, đạt 7.02%. Do đó có thể nói, nếu cho rằng mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong thời gian qua là tăng trưởng nóng thì đó là một phát biểu cảm tính và không có bằng chứng.

Tuy nhiên vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam thì có bị ảnh hưởng tiêu cực khi ổ dịch bùng phát tại Trung Quốc và Hàn Quốc, là 2 quốc gia có lượng vốn đầu tư vào Việt Nam lớn nhất.  Sự sụp đổ trên thị trường chứng khoán ở 2 quốc gia này do dịch bùng phát có thể khiến cho cầu về vốn gia tăng ở nước sở tại, ảnh hưởng tiêu cực cho dòng vốn vào Việt Nam.

COVID-19 khiến dòng vốn rút khỏi thị trường chứng khoán?

Sai. Hộ gia đình sẽ có cầu hàng hoá để cảnh giác với diễn biến bất ngờ của COVID-19, ví dụ như cần trữ nhu yếu phẩm để khi Chính phủ có lệnh tự cách ly tại gia thì hộ gia đình có thể chủ động tuân thủ, bảo vệ cho lợi ích sức khoẻ của mình, và của cộng đồng. Tránh trường hợp có lệnh cách ly nhưng buộc phải vi phạm khi hết lương thực. Điều đó là phù hợp, tuy nhiên, vốn trên thị trường chứng khoán tỷ trọng cao là dòng vốn nhàn rỗi, chứ không thể là dòng vốn dùng để mua nhu yếu phẩm. Vốn vào thị trường hay ra thị trường là do kỳ vọng sinh lời trên mỗi đồng vốn, tham chiếu theo mức tăng trưởng kinh tế, và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp.

Thị trường chứng khoán MỸ giảm 1,000 điểm là do lo ngại COVID-19?

Chưa chính xác. Phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Dow Jones giảm 1,031.61 điểm, tương đương 3.56%, S&P 500 mất 3.35%, Nasdaq Composite giảm 3.71%.

Tuy nhiên, nếu xét trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump, chỉ số Dow Jones đã tăng từ vùng 15,500 điểm lên vùng 29,600 điểm. Đây là một mức tăng quá mạnh, mạnh nhất trong lịch sử nước Mỹ. Đối với mức tăng đạt khoảng 15,000 điểm mà chỉ giảm 1,000 điểm thì có thể nói là mức điều chỉnh bình thường của thị trường chứng khoán, COVID-19 chỉ là chất xúc tác thêm mắm muối cho tâm lý đám đông luôn hoang mang như thường lệ ở 2 vùng đỉnh và đáy của một xu hướng lớn của thị trường.

Tóm lại, đấu tranh với dịch COVID-19, Việt Nam cần có một tâm thế bình tĩnh và chiến lược. Chính phủ và bộ ngành cần chỉ đạo chặt chẽ và cộng đồng cần có ý thức cao để phối hợp chống dịch. Ngay tại ổ dịch ở Trung Quốc, thôn Lâm Cảng, đường Chỉ Phường, quận Giang Hạ, tại thành phố Vũ Hán là thôn không hề một ai bị nhiễm COVID-19. Vậy thì chống dịch COVID-19 không phải là điều không thể làm được.

Điều cần quan tâm lúc này là phải làm sao để chống dịch, chứ không phải thúc đẩy tâm lý hoang mang. Điều này là cần thiết để đối phó với dịch bệnh thành công, chứ không phải là lạc quan "tếu". Tư duy chiến lược để chiến thắng dịch bệnh và bảo vệ nền kinh tế là lựa chọn duy nhất, càng hoang mang, sẽ càng thiệt hại, cả về con người và tài sản.

Giống như khi tham gia giao thông, rủi ro gặp sự cố luôn tồn tại, bởi đôi khi lỗi vi phạm là do người điều khiển phương tiện khác gây ra chứ không phải do chính mình. Nếu tham khảo những video, bài báo về câu chuyện thương tâm trong giao thông, điều đó có làm cho chúng ta ngưng tham gia giao thông hay không? Vậy thì chúng ta cũng cần có một tư duy tinh xảo khi đương đầu với dịch bệnh COVID-19. Bởi ở đâu có vấn đề nảy sinh, ở đó rồi sẽ có giải pháp xuất hiện.

Đinh Hạ Vân

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma