Ngân hàng nào có tỷ lệ CASA tăng mạnh nhất trong 5 năm qua?

31/03/2020 09:00

Giảm chi phí vốn từ việc tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi khách hàng (tỷ lệ CASA) giúp các ngân hàng tăng lợi thế cạnh tranh trước những quy định về vốn ngày càng chặt chẽ hơn.

Ngân hàng nào có tỷ lệ CASA tăng mạnh nhất trong 5 năm qua?

Giảm chi phí vốn từ việc tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi khách hàng (tỷ lệ CASA) giúp các ngân hàng tăng lợi thế cạnh tranh trước những quy định về vốn ngày càng chặt chẽ hơn.

Để tăng biên lãi ròng, các ngân hàng đành phải giảm chi phí huy động hoặc tăng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, khi mà cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng khốc liệt, thì việc giảm chi phí huy động tức giảm lãi suất tiền gửi, sẽ dẫn tới việc khó có thể huy động được nguồn vốn và ngược lại, nếu lãi suất cho vay cao thì lại khó cạnh tranh với các ngân hàng có tiềm lực về vốn lớn.

Trên thực tế, tăng tỷ lệ CASA là một trong những cách giúp kiểm soát chi phí vốn được các ngân hàng lựa chọn. Vì đây là nguồn tiền được các nhà băng huy động chỉ dùng để thanh toán, có chi phí vốn bình quân khoảng 0.2%/năm, tiền gửi không kỳ hạn được xem là nguồn tiền có chi phí vốn rẻ đối với ngân hàng. Bằng cách này, nếu ngân hàng có thể duy trì được lượng tiền gửi không kỳ hạn tăng trưởng tốt so với tổng huy động, thì sẽ có khả năng bù đắp cho việc tăng chi phí từ huy động có kỳ hạn và phát hành trái phiếu. Qua đó, giúp các ngân hàng có cơ hội mở rộng biên lợi nhuận dù tăng chi phí huy động. Thế nên, ngân hàng nào có tỷ lệ CASA càng tăng thì sẽ có lợi thế cạnh tranh càng cao.

Theo ông Đỗ Tuấn Anh - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc khối Quản trị ngân hàng của Techcombank chia sẻ tại sự kiện gặp gỡ nhà đầu tư ngày 26/02/2020, tỷ lệ tăng trưởng CASA cao trong những năm qua đã giúp Techcombank giảm chi phí hoạt động trong cơ cấu chi phí của Ngân hàng và giúp thu nhập từ huy động của Techcombank cao hơn từ cho vay. Và đây cũng  là xu hướng sẽ được duy trì trong thời gian tới, giúp cải thiện đáng kể thu nhập của Techcombank trong năm 2020. Để theo đuổi mục tiêu tăng tỷ lệ CASA, Techcombank phải chấp nhận đánh đổi bằng việc hy sinh thu nhập từ phí dịch vụ. Trong đó, Techcombank được biết đến với vai trò tiên phong trong cuộc chiến “zero fees” cũng như chương trình hoàn tiền trên giá trị giao dịch qua thẻ để thu hút khách hàng. Và các nhà băng khác như VIB, OCB, TPBank cũng đang bắt đầu lao vào cuộc chiến này.

Cũng nhờ việc duy trì tỷ lệ CASA tăng trưởng tốt đã giúp cho Techcombank có chi phí huy động thấp. Và nhờ vậy, Ngân hàng có lợi thế cạnh tranh lãi suất thấp đối với các sản phẩm cho vay mua nhà để ở và mua ô tô hơn so với các ngân hàng khác.

Dữ liệu của Vietstock cho thấy, Vietcombank (VCB), MB (MBB) và Techcombank (TCB) là 3 nhà băng có tỷ lệ CASA dẫn đầu trong 5 năm qua (2015-2019). Trong đó, MB duy trì tỷ lệ CASA đều trên mức 30%, và Vietcombank có tỷ lệ CASA trên 27% trong 5 năm qua.

Vietcombank và MB có tỷ lệ CASA lớn cũng là điều dễ hiểu khi những ngân hàng này đang có rất nhiều tài khoản thanh toán của các doanh nghiệp về ngoại hối và giao dịch.

Riêng Techcombank có tỷ lệ CASA tăng trưởng đều, từ 19% trong năm 2015 và lên mức 33% trong năm 2019, tương đương tăng 75% so với năm 2015.

Ở Bac A Bank (BAB), Kienlongbank (KLB), NCB (NVB), SCB, SHB và Vietbank (VBB) là 7 nhà băng có tỷ lệ CASA thấp dưới 10% trong 5 năm qua. Trong đó, Bac A Bank có tỷ lệ CASA chỉ từ 1-2%.

Mặc dù đã nâng tỷ lệ CASA trong năm 2019 gấp 2.5 lần so với năm 2015, nhưng tỷ lệ CASA năm 2019 của Kienlongbank chỉ dừng ở mức 5%.

HDBank (HDB) là nhà băng có tỷ lệ tăng trưởng CASA đứng thứ 2 với mức tăng 90% khi đạt 12% trong năm 2019 so với mức 6% trong năm 2015.

Ở chiều ngược lại, ABBank, BIDV (BID), Eximbank (EIB), PGBank, Saigonbank (SGB), SeABank, SHB, VIB là những nhà băng có tỷ lệ CASA sụt giảm. Trong đó, tỷ lệ CASA của ABBank sụt giảm mạnh nhất trong 5 năm, ở mức 48%, kế đến là SHBVIB.

Việc các ngân hàng đang tăng tốc đẩy mạnh nền tảng công nghệ thanh toán cũng như miễn giảm phí giao dịch cho khách hàng nhằm mục tiêu cải thiện tỷ lệ CASA đã tạo nên xu hướng mới cho ngành ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, các ngân hàng cần phải có chiến lược rõ ràng để có được điểm cân bằng hiệu quả từ việc đánh đổi giữa phí dịch vụ thanh toán và lợi ích mà CASA mang lại.

Ái Minh

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma