Phá sản để cải cách

17/09/2018 15:09

Công ty Cho thuê tài chính II (ALCII) của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã chính thức được Tòa án Nhân dân TPHCM tuyên cho phá sản trong tháng 8-2018 vừa qua. Đến ngày phá sản ACLII có tổng nợ phải thu trên 15.700 tỉ đồng và tổng nợ phải trả hơn 10.000 tỉ đồng.

Phá sản để cải cách

Công ty Cho thuê tài chính II (ALCII) của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã chính thức được Tòa án Nhân dân TPHCM tuyên cho phá sản trong tháng 8-2018 vừa qua. Đến ngày phá sản ACLII có tổng nợ phải thu trên 15.700 tỉ đồng và tổng nợ phải trả hơn 10.000 tỉ đồng.

ALCII rồi sẽ biến mất trên thương trường, nhưng hậu quả mà nó để lại cho Agribank thì không dễ giải quyết ngày một ngày hai. Ảnh: UYÊN VIỄN

Theo luật định, tài sản còn lại của ALCII sẽ được phát mãi để trả cho các chủ nợ theo thứ tự ưu tiên đã được quy định. Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) là doanh nghiệp đầu tiên lên tiếng đang chuẩn bị lựa chọn tổ chức thực hiện bán đấu giá tài sản tại ALCII để thu hồi nợ. Cụ thể DATC sẽ bán đấu giá khoản tiền gửi trị giá 387 tỉ đồng tại ALCII. Nguồn gốc tài sản là nợ phải thu mà DATC tiếp nhận từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam bao gồm cả gốc và lãi.

ALCII rồi sẽ biến mất trên thương trường, nhưng hậu quả mà nó để lại cho Agribank thì không dễ giải quyết ngày một ngày hai. Trong các hội nghị của ngành gần đây, lãnh đạo Agribank liên tục đề cập đến chuyện ngân hàng gặp khó khăn trong việc đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng. Nếu không nhanh chóng tháo gỡ được vướng mắc này, Agribank không thể đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 14% năm nay, đồng nghĩa với việc cung ứng vốn cho sản xuất nông nghiệp và khu vực nông thôn bị ảnh hưởng.

Phá sản doanh nghiệp nhà nước là một quá trình đau đớn. Và các doanh nghiệp mà tòa án quyết định cho phá sản hiện nay đều là những ca bệnh trầm trọng.

Theo Agribank, đến ngày 31-12-2017 vốn tự có hợp nhất, bao gồm vốn tự có riêng lẻ của ngân hàng và vốn tự có của các công ty con, là 59.672 tỉ đồng, thấp hơn vốn tự có riêng lẻ (của riêng ngân hàng mẹ) là 10.139 tỉ đồng. Mức thấp hơn này phát sinh chủ yếu do các khoản lỗ lũy kế của các công ty con, trong đó lỗ lũy kế của ALCII là 12.455 tỉ đồng. Chính vì vốn tự có hợp nhất bị giảm mà tỷ lệ an toàn vốn của Agribank hiện đang ở mức khoảng 8% trong khi quy định tối thiểu phải 9%. Còn nếu tính theo vốn tự có riêng lẻ, tức là không có khoản lỗ lũy kế của ALCII, tỷ lệ an toàn vốn của Agribank vẫn khoảng xấp xỉ 9%.

Tỷ lệ an toàn vốn là một chỉ tiêu tối quan trọng đối với một ngân hàng. Trước tình hình tỷ lệ này thấp như vậy, vi phạm quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Agribank đứng trước nguy cơ thường trực năm nào cũng thiếu vốn tự có và ngân hàng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính trình Chính phủ cấp đủ toàn bộ vốn cần thiết cho ngân hàng trong năm nay với số cụ thể 20.200 tỉ đồng. Việc cấp cần thực hiện trước thời điểm Agribank xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, dự kiến bán cổ phần lần đầu ra công chúng trong năm 2020.

Số tiền cấp thêm mà Agribank đề nghị ngân khố quốc gia khó mà kham nổi. Hậu quả mất vốn từ ALCII quả là quá lớn. Cho đến nay đây cũng là doanh nghiệp nhà nước tầm cỡ nhất được phép phá sản.

Trong một diễn biến khác, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) trong bản công bố thông tin bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, thông báo ba doanh nghiệp đã có quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án Nhân dân TPHCM. Đó là, Công ty TNHH một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin; Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Falcon; Công ty cổ phần TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Cà Mau. Các doanh nghiệp này không những thua lỗ mất hết vốn, mà còn nợ hàng ngàn tỉ đồng, chưa kể nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động.

Việc phá sản doanh nghiệp nhà nước cho thấy di căn của thực trạng không thể phục hồi dù Nhà nước có bỏ thêm tiền. Nhìn lại quá khứ, thực trạng tài chính của Vinalines trước tái cơ cấu nợ không nhiều màu xám đến thế nếu tổng công ty không phải oằn mình gánh thêm những doanh nghiệp vốn đã thua lỗ triền miên từ tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Vinashin trước đây. Việc “xé lẻ” Vinashin, san sẻ gánh nặng thua lỗ của tập đoàn này sang cho Vinalines và PetroVietnam đã khiến cho Vinalines và PetroVietnam bị ảnh hưởng không những kết quả kinh doanh, mà còn cả quá trình tái cấu trúc cũng như cổ phần hóa toàn bộ hoặc cổ phần hóa các công ty trực thuộc.

Phá sản doanh nghiệp nhà nước là một quá trình đau đớn. Đau đớn không chỉ vì số vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp bị mất, nợ vay ngân hàng không trả được, buộc nhiều tổ chức tín dụng chủ nợ phải trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận và gián tiếp đến việc nộp thuế cho ngân sách, mà còn vì chúng ta đã mất quá nhiều thời gian để nhìn nhận ra vấn đề không thể để tiếp tục tồn tại của những doanh nghiệp đó.

Luật Phá sản đã có từ lâu, và một thời gian dài chúng ta chứng kiến không ít doanh nghiệp đã “chết” nhưng chưa “được chôn”, chưa được phá sản. Sự “đắp chiếu” của chúng đã tác động đến những doanh nghiệp đang hoạt động, níu chân những doanh nghiệp khỏe mạnh trong một số trường hợp.

Các doanh nghiệp mà tòa án quyết định cho phá sản hiện nay đều là những ca bệnh trầm trọng. “Cái chết” của chúng là cần thiết để môi trường đầu tư, kinh doanh được sàng lọc, trở nên trong sạch hơn. Cũng từ quá trình phá sản này, thị trường và dư luận xã hội thấu tỏ hơn hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước để từ đó thúc đẩy quá trình cải cách triệt để hơn, mạnh hơn.

Hải Lý

tbktsg

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma