Phố Wall ngày càng tin: Thương chiến Mỹ-Trung chỉ có trở nên tệ hơn

24/05/2019 10:57

Khi chứng khoán Mỹ rớt mạnh trong phiên ngày thứ Năm (23/05), những hộp thư trên Phố Wall được lấp đầy với những dự báo rằng Nhà Trắng sẽ dồn toàn lực và áp thuế lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc trong một cuộc chiến thương mại kéo dài và ngày một căng thẳng hơn.

Phố Wall ngày càng tin: Thương chiến Mỹ-Trung chỉ có trở nên tệ hơn

Khi chứng khoán Mỹ rớt mạnh trong phiên ngày thứ Năm (23/05), những hộp thư trên Phố Wall được lấp đầy với những dự báo rằng Nhà Trắng sẽ dồn toàn lực và áp thuế lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc trong một cuộc chiến thương mại kéo dài và ngày một căng thẳng hơn.

Thương chiến Mỹ-Trung có thể bắt đầu tác động tới người tiêu dùng và làm chậm lại tăng trưởng toàn cầu.

Tại mức đáy của ngày thứ Năm (23/05), Dow Jones đã “bốc hơi” hơn 400 điểm, khi cả Mỹ và Trung Quốc dường như đều cố nâng vị thế đàm phán. Hiện hai bên vẫn chưa lên lịch cho các cuộc đàm phán thương mại kế tiếp và trong ngày thứ Năm (23/05), Bộ Thương mại Trung Quốc cảnh báo Mỹ phải sửa sai với sự chân thành thì đàm phán mới có thể tiếp tục.

Hàng loạt công ty tung ra các báo cáo mới cảnh báo rằng thương chiến Mỹ-Trung đang trở nên tồi tệ hơn, trong đó phải kể tới các chuyên gia kinh tế và chiến lược gia từ Nomura, Goldman Sachs và Bank of America.

“Tôi nghĩ rủi ro ở đây là xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn diện và tình hình dường như trông có vẻ là như vậy”, Ed Keon, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại QMA, cho hay.

Nhóm cổ phiếu năng lượng dẫn dắt thị trường đi xuống, nhưng những cổ phiếu công nghệ mới là nhóm bị tác động nặng nề, trong đó lĩnh vực năng lượng thuộc S&P 500 đã mất hơn 3.3%. Những cổ phiếu công nghệ đang nằm giữa “bão đạn” trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khi Washington muốn ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận tới công nghệ của Mỹ. Tuần trước, Mỹ đã thêm ông lớn viễn thông Trung Quốc Huawei vào danh sách đen, ngăn chặn Huawei mua linh kiện từ các công ty Mỹ. Chứng chỉ quỹ VanEck Vector Semiconductor ETF SMH sụt 2.5% và đã giảm gần 15% từ đầu tháng này.

Chuyển sang tiền mặt

Ông Keon cho biết nếu chiến tranh thương mại leo thang thì thị trường chứng khoán có thể rơi vào trạng thái điều chỉnh với mức giảm hơn 10%. Ông dần chuyển sang năm giữ tiền mặt và đặt vị thế lớn hơn vào các hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ Mỹ khi đang đợi chờ một kết quả chắc chắn hơn.

Vào ngày 10/05/2019, Mỹ đã nâng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Tổng thống Mỹ Donald Trump còn dọa áp hàng rào thuế quan lên gần 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc chưa bị áp thuế. Nhiều người trong số những hàng hóa đi trực tiếp đến người tiêu dùng.

“Chúng tôi hiện nghĩ rằng khả năng cao là chính quyền Mỹ sẽ triển khai áp thuế 25% lên thêm 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Kịch bản cơ sở của chúng tôi giả định rằng hàng rào thuế quan lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ có hiệu lực trước khi kết thúc năm 2019, nhiều khả năng nhất là trong quý 3/2019, sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 6/2019”, Lewis Alexander, Trưởng bộ phận kinh tế Mỹ tại Nomura, cho hay.

Alexander cho biết, có thể có một thỏa thuận đình chiến thương mại ngắn hạn sau hội nghị thượng đỉnh G20, các cuộc đàm phán có thể đổ vỡ sau đó trong năm nay, dẫn tới việc áp thuế nhiều hơn. “Không có một hướng đi rõ ràng trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, chúng tôi nhận thấy rủi ro ngày càng tăng rằng hàng rào thuế quan sẽ được duy trì cho tới cuối năm 2020”, ông viết.

Trong một báo cáo, các chiến lược gia trái phiếu tại Bank of America cho biết chiến tranh thương mại dường như trở nên tồi tệ hơn dự báo của họ. Họ đã hạ dự báo về lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm xuống 2.6% vào cuối năm 2019, từ mức 3% trước đó, dựa trên các tác động từ chiến tranh thương mại và chính sách nới lỏng hơn từ các ngân hàng trung ương trên thế giới. Các nhà lãnh đạo NHTW đang phản ứng lại trước đà suy giảm tốc về kinh tế, lạm phát thấp và những nỗi lo về các điều kiện tài chính. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rơi xuống mức 2.3% trong ngày thứ Năm (23/05), thấp nhất kể từ tháng 11/2017. Lợi suất trái phiếu dịch chuyển nghịch chiều với giá trái phiếu.

“Sau những diễn biến mới nhất trong cuộc chiến thương mại, những con số dự báo của chúng tôi cho thấy kịch bản tiến tới thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung dường như không thực tế cho lắm. Chúng tôi đã hạ dự báo”, các chiến lược gia tại Bank of America viết.

Góc nhìn của Goldman Sachs

Các chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs cảnh báo rằng nếu không có dấu hiệu tiến triển trong vài tuần tới, việc Mỹ triển khai áp thuế bổ sung có thể dễ dàng trở thành kịch bản cơ sở của họ. “Mặc dù chúng tôi vẫn nghĩ khả năng hai bên tiến tới thỏa thuận vẫn cao hơn là không tiến tới thỏa thuận, nhưng việc dự báo về kết quả thương mại Mỹ-Trung ngày càng khó khăn hơn”, họ viết.

Việc Mỹ áp thuế bổ sung lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ có tác động tới lạm phát và nâng chỉ số giá PCE lõi của Mỹ thêm 0.6 điểm phần trăm. Trước đó, việc nâng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã làm lạm phát tăng thêm 0.2 điểm phần trăm. Ngoài ra, GDP của Mỹ sẽ giảm 0.5% (nếu Mỹ áp thuế bổ sung và Trung Quốc đáp trả) và GDP Trung Quốc giảm 0.8% trong giai đoạn 3 năm, theo ước tính của Goldman Sachs.

Làn sóng bán tháo của chứng khoán ngày càng dữ dội hơn trong ngày thứ Năm (23/05) và giá trái phiếu đi lên khi dữ liệu PMI mới nhất cho thấy sự giảm tốc của lĩnh vực dịch vụ và sản xuất ở Mỹ và châu Âu. Dữ liệu PMI của Mỹ cho thấy đà tăng trưởng yếu nhất kể từ tháng 10/2009.

Ông Keon cho biết Phố Wall ngày càng bi quan về chiến tranh thương mại, nhưng ông vẫn tin Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến tới một thỏa thuận.

“Tại một thời điểm, nỗi lo sợ đều hiện diện trong tâm trí của mọi nhà đầu tư và tại thời điểm đó, làn sóng bán tháo sẽ diễn ra dữ dội nhất. Tôi vẫn nghĩ vẫn có người tin vào khả năng tiến tới thỏa thuận Mỹ-Trung”, Keon cho biết. “Nếu không có thỏa thuận, thị trường chắc hẳn sẽ giảm thêm”.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma