Quản không xuể xe công nghệ

25/05/2019 16:05

Trước sự rối ren, Bộ GTVT đã phải yêu cầu các sở GTVT tăng cường quản lý đối với loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng điện tử

Quản không xuể xe công nghệ

Trước sự rối ren, Bộ GTVT đã phải yêu cầu các sở GTVT tăng cường quản lý đối với loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng điện tử

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản yêu cầu các sở GTVT làm rõ về số lượng phương tiện tham gia thí điểm hợp đồng điện tử theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT về Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Làm rõ số lượng xe thí điểm

Trong văn bản, Bộ GTVT cho biết có hiện tượng nhiều ôtô kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng hoạt động trá hình tuyến cố định, vi phạm về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Loại xe này không dán phù hiệu theo quy định, nhất là đối với ôtô dưới 9 chỗ tại các đô thị lớn, xe tuyến cố định bỏ bến xin cấp phù hiệu xe hợp đồng nhưng vẫn hoạt động như tuyến cố định gây mất trật tự vận tải, thiếu bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh vận tải bằng ôtô. Do đó, Bộ GTVT yêu cầu các sở GTVT tăng cường quản lý đối với loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng điện tử, kết quả báo cáo về Bộ GTVT trước ngày 1-7.

Các xe tham gia đề án thí điểm trên địa bàn TP HCM phải có logo, tuy nhiên, logo gắn trên các xe khá nhỏ, khó nhận biết Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đáng chú ý, Bộ GTVT yêu cầu sở GTVT 5 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh tập trung kiểm tra các đơn vị tham gia thí điểm theo quy định tại Quyết định số 24, bảo đảm quản lý chặt việc thí điểm hợp đồng điện tử thay hợp đồng bằng văn bản giấy. "Các sở GTVT cần tổng hợp kết quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, tổng hợp kết quả thí điểm đến thời điểm hết ngày 31-5, trong đó làm rõ về số lượng đơn vị phần mềm, đơn vị vận tải tham gia thí điểm, số lượng phương tiện, đánh giá ưu điểm, hạn chế, đề xuất kiến nghị và báo cáo Bộ GTVT trước ngày 1-7" - Bộ GTVT chỉ đạo.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Tư pháp và Bộ GTVT đề nghị sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Trong văn bản này, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng vấn đề quản lý đối với Grab Taxi đã qua giai đoạn thí điểm cho phép hơn 1 năm (thời gian thí điểm chỉ được thực hiện trong 2 năm từ tháng 1-2016 đến tháng 1-2018) và ngày càng bộc lộ những vấn đề cần giải quyết cấp bách như: Sự không công bằng trong cạnh tranh và nghĩa vụ thuế với nhà nước; không ai quản lý các điều kiện an toàn giao thông đối với các xe tham gia vào Grab.

Theo Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, Grab đang ngày càng "phớt lờ" các quy định của Bộ GTVT tại Quyết định 24/QĐ-BGTVT như: tùy tiện mở rộng phạm vi thí điểm từ 5 tỉnh, thành phố lên 15 tỉnh, thành phố; thực hiện quyền cơ bản của người kinh doanh vận tải như việc quyết định giá cước, chính sách khuyến mãi… chứ không phải chỉ làm dịch vụ kết nối giữa nhà vận tải với hành khách như quy định tại Quyết định 24. Chính vì thế đã gây mâu thuẫn gay gắt với các đơn vị kinh doanh taxi, kể cả taxi truyền thống và các đơn vị taxi đã áp dụng công nghệ kết nối như G7, Liên minh Taxi Việt, Be…

Khó xử lý vi phạm

Theo Đỗ Ngọc Hải, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải - Sở GTVT TP HCM, tất cả các đơn vị tham gia đề án thí điểm trên địa bàn TP đều được quy định phải có mẫu logo, niêm yết trên các xe hoạt động. Tuy nhiên, ông Hải cũng đánh giá hiện logo gắn trên các xe khá nhỏ, khó nhận biết, đặc biệt là vào buổi tối hoặc đang lưu thông trên đường.

Thanh tra Sở GTVT TP cũng thừa nhận việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các phương tiện hoạt động theo loại hình này gặp khó khăn bởi khó nhận diện. Mặt khác, việc xử phạt cũng cần sự phối hợp của hành khách trên xe, tuy nhiên đa số lại thoái thác, không chịu hợp tác với lực lượng chức năng vì sợ phiền hà, trong khi tài xế cũng đối phó bằng cách trình bày đây là xe chở gia đình, bạn bè… "Hiện việc xử lý vi phạm đối với các xe hoạt động thông qua ứng dụng chủ yếu hiệu quả tại sân bay Tân Sơn Nhất. Lý do đây là khu vực "tĩnh", dễ phát hiện thông qua các hoạt động đón, trả khách hoặc dừng, đậu" - đại diện Thanh tra Sở GTVT TP HCM cho biết.

Theo ông Đỗ Ngọc Hải, phía Sở GTVT đã yêu cầu các đơn vị đang hoạt động theo đề án thí điểm có báo cáo cụ thể nhằm có đánh giá lại tình hình hoạt động, trong đó, bao gồm cả số lượng phương tiện đăng ký. 

TP HCM chỉ cấp phép cho những xe đã đăng ký trước

Ông Đỗ Ngọc Hải cho biết trong lúc chờ nghị định thay thế Nghị định 86, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và đề án thí điểm tại Quyết định số 24, những địa phương thực hiện thí điểm vẫn được phép mở rộng thêm đơn vị tham gia. Việc này nhằm tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tránh độc quyền cũng như hành khách có thêm sự lựa chọn. Tuy nhiên, tại TP HCM, để hạn chế việc đầu tư xe mới hoạt động theo loại hình trên gây áp lực cho hạ tầng giao thông, Sở GTVT hiện chỉ cho phép những phương tiện đã đăng ký trước hoạt động (thuộc các doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vận tải bằng ôtô) và ký thỏa thuận hợp tác với các đơn vị cung cấp ứng dụng. Những xe đăng ký mới không được tham gia.

Văn Duẩn - Gia Minh

NGƯỜI LAO ĐỘNG

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma