Tăng gần 1.5%, dầu WTI leo dốc liền 4 phiên không ngừng nghỉ

22/08/2018 06:53

Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng phiên thứ 4 liên tiếp trong ngày thứ Ba (21/08), khi nhà đầu tư xem xét khả năng làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, MarketWatch đưa tin.

Tăng gần 1.5%, dầu WTI leo dốc liền 4 phiên không ngừng nghỉ

Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng phiên thứ 4 liên tiếp trong ngày thứ Ba (21/08), khi nhà đầu tư xem xét khả năng làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, MarketWatch đưa tin.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 9 trên sàn Nymex tiến 92 xu (tương đương 1.4%) lên 67.35 USD/thùng. Hợp đồng này đã hết hạn vào cuối phiên. Hợp đồng dầu WTI giao tháng 10 tăng 42 xu (tương đương 0.6%) lên 65.84 USD/thùng.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 10 trên sàn Luân Đôn cộng 42 xu (tương đương 0.6%) lên 72.63 USD/thùng.

Dầu WTI và dầu Brent đều ghi nhận 4 phiên leo dốc liên tiếp. Đà tăng liền 4 phiên của hợp đồng dầu WTI đánh dấu chuỗi leo dốc dài nhất kể từ ngày 20/07/2018, dữ liệu từ FactSet cho thấy.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran đặc biệt nhắm mục tiêu đến hoạt động xuất khẩu dầu sẽ có hiệu lực vào tháng 11/2018, và các nhà phân tích cho biết vẫn chưa rõ chính xác lượng dầu của Iran sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường. Hồi tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Một số lệnh trừng phạt khác đã có hiệu lực trong tháng này.

Các chuyên gia trong ngành dự báo tác động của các lệnh trừng phạt khiến sản lượng tại Iran mất khoảng 1 – 1.5 triệu thùng dầu/ngày. Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ được cho là sẽ cắt giảm kim ngạch nhập khẩu dầu từ Iran.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, vốn đều đang vướng các cuộc xung đột chính trị và thương mại với Mỹ, là những ngoại lệ. Thổ Nhĩ Kỳ là đường ống dẫn dầu chủ chốt tại khu vực Trung Đông, còn Trung Quốc là một trong những nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng dành sự chú ý đến các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và Washington nhằm chấm dứt xung đột thuế quan kéo dài, vốn khiến những người tham gia thị trường e ngại rằng có thể làm biến động thị trường toàn cầu và đẩy nhanh suy thoái kinh tế tại Trung Quốc – những yếu tố tác động tiêu cực đến nhu cầu dầu.

Tyler Richey, Đồng biên tập tại Sevens Report, nhận định: “Về cơ bản có 3 rào cản trên thị trường: 1) lo ngại về thương mại gây sức ép lên triển vọng nhu cầu, 2) e ngại rằng Ả-rập Xê-út sẽ có hành động tích cực hơn để giành lại thị phần từ khi thay đổi chính sách hồi tháng 6, và 3) vẫn là đà leo dốc ổn định của sản lượng dầu tại Mỹ. Rào cản đầu tiên trong 3 rào cản trên đã phần nào được nới lỏng trong tuần này và giúp dầu khởi sắc so với các tài sản rủi ro khác từ đầu tuần đến nay”.

Nhà đầu tư cũng đang hướng đến số liệu cập nhật về nguồn cung xăng dầu tại Mỹ. Cụ thể, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) sẽ công bố dữ liệu định kỳ về nguồn cung dầu thô tại Mỹ vào thứ Tư, còn báo cáo của Viện Xăng dầu Mỹ (API) sẽ được công bố vào cuối ngày thứ Ba.

Hôm thứ Hai (20/08), Bộ Năng lượng đã thông báo bán 11 triệu thùng dầu từ Kho dự trữ dầu khí chiến lược (SPR).

Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng xăng giao tháng 9 nhích 0.1% lên 2.018 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 9 tiến 0.5% lên 2.124 USD/gallon.

Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 9 cộng 1.3% lên 2.98 USD/MMBtu.

An Trần

Fili

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma