Thảm họa giá dầu xuống dưới 0 đồng

22/04/2020 10:14

Giá dầu thô không chỉ về 0 USD/thùng như cảnh báo mà đã có giá âm 37,63 USD/thùng tại Mỹ khi kết thúc phiên giao dịch lịch sử ngày 20.4.

Thảm họa giá dầu xuống dưới 0 đồng

Giá dầu thô không chỉ về 0 USD/thùng như cảnh báo mà đã có giá âm 37,63 USD/thùng tại Mỹ khi kết thúc phiên giao dịch lịch sử ngày 20.4.

Thảm họa giá dầu xuống dưới 0 đồng
Ảnh: Reuters - Đồ họa: Đông Xuân

Giá dầu lao dốc không ngừng

Giá dầu thô thế giới chịu áp lực từ cuối tháng 1 năm nay khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc, buộc nước này phải đóng cửa hàng loạt nhà máy và ngưng mọi hoạt động di chuyển. Nhưng khi đó, giá dầu thô thế giới vẫn trên 60 USD/thùng. Ngày 8.3, Ả Rập Xê Út đã chủ động nổ phát súng khơi mào cuộc chiến dầu thô với Nga bằng tuyên bố giảm giá bán dầu thô từ 6 - 8 USD/thùng và tăng sản lượng thêm 1,5 triệu thùng/ngày. Ngay lập tức, giá dầu lao dốc hơn 20%.

Gần 1 tháng sau, ngày 9.4, sau cuộc họp trực tuyến giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đồng minh (gọi chung là OPEC+), các nước đã thống nhất cắt giảm sản lượng xuống 9,7 triệu thùng/ngày từ đầu tháng 5 đến hết tháng 6 tới. Động thái này tưởng cứu được giá dầu nhưng thực tế, dầu thô vẫn tiếp tục lao dốc, có ngày xuống dưới mốc 20 USD/thùng - mức giảm sâu trong 18 năm.

Đến ngày 20.4 thì giá dầu thực sự rơi vào thảm họa. Chỉ trong vài giờ giá dầu thô WTI giao tháng 5 đã rơi xuống mức -38 USD/thùng và kết thúc ngày bão táp với -37,63 USD/thùng. Cập nhật đến 17 giờ hôm qua (21.4), giá dầu thô WTI trên sàn New York giao tháng 5 về còn -7,65 USD/thùng, giảm 82% sau khi đã leo lên mức 0,6 USD/thùng đầu ngày.

Lý giải hiện tượng dầu WTI xuống dưới 0 USD/thùng, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đưa ra 3 lý do: Thứ nhất, lượng cung dầu ở thị trường Mỹ không giảm, trong khi nền kinh tế Mỹ đang có nhiều vấn đề, dịch bệnh khiến hầu hết các hoạt động vận tải, sản xuất “đóng băng”, sức cầu yếu ớt, nhiều khả năng quốc gia này đang đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Thứ hai, các kho dự trữ xăng dầu đã đầy, hết công suất, không còn chỗ để mua thêm. Thứ ba, hôm qua (21.4) là ngày đáo hạn các hợp đồng tương lai đối với dầu WTI. Trước phiên đáo hạn, các nhà đầu tư nhận thấy bối cảnh dịch bệnh phức tạp, rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ tương đối lớn nên ồ ạt bán ra, khiến dầu rớt giá thảm hại.

Tại Việt Nam, cập nhật đến hết tháng 3, tồn kho các sản phẩm (trừ DO) đều vượt ngưỡng nguy cơ vượt giới hạn tồn trữ. Tồn kho tăng mạnh khiến Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) trong tháng 3 đã có kiến nghị hạn chế, tạm ngưng nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu, thậm chí đóng bớt một số mỏ để cứu tình trạng thừa cung.

Theo PVN, dự kiến cả năm 2020, tập đoàn khai thác 8,8 triệu tấn dầu thô. Nếu giá dầu năm nay trung bình chỉ quanh 30 USD/thùng thì doanh thu của PVN sẽ giảm khoảng 2,4 tỷ USD và nộp ngân sách giảm khoảng 800 triệu USD. Còn báo cáo hết quý 1/2020 của Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng cho thấy, 3 tháng đầu năm công ty bị lỗ 2.300 tỉ đồng. Ngoài việc tiêu thụ sản phẩm bị giảm mạnh do ảnh hưởng dịch Covid-19 dẫn đến tồn kho dầu thô và sản phẩm tăng cao, giá dầu Brent trong quý 1 lao dốc hơn 70% từ 68,34 USD/thùng vào ngày 3.1 còn 17,68 USD/thùng vào ngày 31.3 là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả lỗ trong quý 1 của doanh nghiệp (DN).

Nhiều ngành hưởng lợi

Chuyên gia năng lượng - PGS-TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng ở Việt Nam, giá dầu thế giới giảm có hai yếu tố tích cực và tiêu cực. Tiêu cực là giá dầu khai thác của Việt Nam hiện cao hơn giá dầu thế giới quá lớn, càng khai thác càng lỗ. Nên giải pháp tính toán đóng bớt mỏ có công suất yếu là cần thiết. Yếu tố tích cực là các ngành sản xuất nhựa, phân bón, hóa chất, năng lượng… sử dụng nguyên liệu từ ngành công nghiệp hóa dầu rất lớn. Khi giá dầu giảm, các ngành này chắc chắn sẽ được hưởng lợi.

TS Cấn Văn Lực cũng có cái nhìn khá lạc quan từ thảm họa giá dầu. Thực tế, Việt Nam trở thành nước nhập siêu xăng dầu từ 2015 đến nay. Vì thế, việc giá dầu giảm sẽ là yếu tố tích cực giúp chúng ta giảm nhập siêu cũng như giảm chi phí nhập khẩu, tiết kiệm được một lượng ngoại tệ lớn. Bên cạnh đó, giá dầu giảm mạnh tác động trực tiếp, làm giảm tới nhóm giao thông và nhóm dịch vụ điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng... từ đó, giảm áp lực lên CPI (hiện nay, xăng dầu có quyền số chiếm tỷ trọng 4% trong rổ tính CPI). Đồng thời xăng dầu giảm còn có tác động gián tiếp đến nhóm lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình (nhóm có quyền số lớn nhất trong rổ hàng hóa tính CPI - 36,12%), góp phần ổn định biến động của nhóm này.

"Chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn, tới 35 - 40% trong tổng chi phí của ngành vận tải nên đây là cơ hội để giảm chi phí, bớt khó khăn. Ngoài ra, một số ngành khác cũng được hưởng lợi như sản xuất nhựa, phân bón, luyện kim, khai thác và đánh bắt thủy sản, xây dựng công trình giao thông... do xăng dầu chiếm khoảng 20 - 30% chi phí đầu vào", ông Lực dẫn chứng nhưng cũng thừa nhận, mức độ hưởng lợi của các DN hiện nay không nhiều vì nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn cách ly toàn xã hội, mức độ trì trệ tương đối cao, sức tiêu thụ xăng dầu trên thị trường còn yếu ớt. Đơn cử như hàng không, xăng dầu giảm thì DN được hưởng lợi về cơ cấu chi phí nhưng thời điểm này dịch bệnh chưa kết thúc, máy bay nằm đỗ còn nhiều hơn bay trên trời, nên có lợi cũng không đáng kể.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), cũng đồng quan điểm và nhấn mạnh giao thông vận tải là ngành được hưởng lợi nhiều nhất và trực tiếp. Chi phí giao thông giảm, đồng nghĩa cũng tác động tích cực tới ngành sản xuất phân bón, nông, thủy, hải sản do đây là những ngành có chi phí vận chuyển cao. Ngoài ra, các DN nhiệt điện khí cũng “mừng rơn” khi giá dầu thế giới giảm vì nguồn nhiên liệu khí đốt ước tính chiếm khoảng trên 30% giá vốn của các DN này.

Nên huy động nguồn lực để tích trữ

Đề xuất tăng dự trữ dầu thô khi giá giảm xuống dưới 20 USD/thùng đã được đưa ra nhưng đến lúc này, giá dầu thế giới đã giảm xuống mức không thể ngờ tới, vậy Việt Nam có nên thực hiện đề xuất này hay không là câu hỏi lại được đặt ra.

TS Cấn Văn Lực nói ngay: “Hiện tượng giá dầu xuống tới âm, người bán thậm chí phải trả thêm tiền cho người mua chỉ xuất hiện đối với dầu WTI, cục bộ tại thị trường Mỹ. Chắc chắn việc này sẽ có tác động tới 2 loại dầu còn lại là Brent và dầu Dubai, khiến giá dầu trên thế giới trong thời gian tới nhìn chung sẽ có xu hướng giảm, nhưng không nhiều. Hiện nay, Tổng thống Trump đã có chỉ thị nâng cao số lượng kho, năng lực dự trữ xăng dầu nên dự kiến giá dầu WTI sẽ sớm dần hồi phục trở lại, mức độ ảnh hưởng tới giá dầu thế giới cũng không quá nhiều. Vì vậy, thời điểm này, ở tầm quốc gia mua xăng dầu tích trữ là có lợi. Do đó, các cơ quan quản lý, DN ngành xăng dầu cần tính toán, rà soát lại thực trạng các kho trữ xăng dầu để tận dụng thêm, tăng năng lực tích trữ.

Còn Chủ tịch VEA Trần Viết Ngãi nhìn nhận việc giá dầu WTI xuống tới dưới 0 đồng chỉ là khoảnh khắc và sẽ dần phục hồi. Bên cạnh đó, dịch bệnh Covid-19 không phải khủng hoảng bắt nguồn từ kinh tế, sẽ sớm qua đi. Một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức… cũng đã bắt đầu nới lỏng các lệnh cách ly toàn xã hội. Tại Việt Nam, dịch bệnh đang được kiểm soát rất tốt, có thể nhanh chóng bình thường trở lại các hoạt động vận tải, kinh doanh, sản xuất. Nhu cầu tiêu thụ dần tăng lên sẽ tỷ lệ thuận với giá dầu. Đến khi cả thế giới ồ ạt quay lại sản xuất thì giá dầu sẽ lên cao và khó mua. Do đó, tại thời điểm này, Việt Nam cần chủ trương khẩn cấp tích trữ xăng dầu bằng cách huy động tất cả cơ sở có đủ điều kiện, không chỉ các đơn vị kinh doanh xăng dầu mà mở rộng ra cả tư nhân, quân đội... Chỉ cần đủ an toàn về phòng chống cháy nổ, đáp ứng đủ các điều kiện về áp suất, áp lực thì đều có thể huy động tích trữ. Song song, nhà nước cần có cơ chế, chính sách như cho vay vốn ưu đãi để các DN khẩn trương nhập khẩu lượng dầu lớn.

“Nền kinh tế thế giới không thể ngưng trệ quá lâu. Tất cả sẽ phải tìm cách sống chung với dịch. Việt Nam có thể trở lại mở cửa các ngành sản xuất, kinh doanh sớm hơn. Ngay khi xe bắt đầu chạy trên đường, nhà máy bắt đầu sáng đèn trở lại là lượng xăng dầu tồn dư kia sẽ nhanh chóng được giải quyết. Do đó, việc tận dụng giá dầu thế giới đang ở mức chạm đáy để biến nguy thành cơ là cần thiết nhanh chóng thực hiện”, ông Ngãi nhấn mạnh.

Giá dầu âm là thế nào?

Dầu WTI (West Texas Intermediate) còn được gọi là dầu ngọt nhẹ Texas hay dầu thô Mỹ vì được khai thác từ các giàn khoan ở Mỹ và gửi đến Oklahoma bằng đường ống. Còn dầu Brent được khai thác từ các mỏ ở Biển Bắc. Số đông cho rằng WTI là dầu thô chất lượng hơn, đặc biệt phù hợp để tinh chế xăng và luôn có giá cao hơn dầu Brent.

Vì nguồn cung thừa mứa, các bể chứa dầu WTI gần như không còn chỗ. Các công ty mua bán dầu phải thuê những chiếc tàu lớn chỉ để neo cảng và chứa lượng dầu dư thừa. Hiện có khoảng 160 triệu thùng dầu tại các bể chứa trên toàn cầu.

Một hợp đồng tương lai giao dịch 1.000 thùng dầu, được giao đến Cushing, nơi các công ty năng lượng sở hữu những bể dầu có sức chứa khoảng 76 triệu thùng. Mỗi hợp đồng giao dịch trong 1 tháng và hợp đồng tháng 5 hết hạn vào thứ ba, 21.4. Những nhà đầu tư đang nắm giữ hợp đồng tháng 5 nay không muốn nhận hàng để khỏi phát sinh thêm chi phí trữ dầu. Họ buộc phải trả tiền để có thể đẩy dầu đi, dẫn đến giá bán lao dốc xuống mức âm, thấp nhất là -40,32 USD/thùng, ngày 20.4.

Ngọc Thu

Hà Mai

Thanh niên

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma