Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, mối nguy hiểm mới đối với Đông Nam Á?

20/02/2020 21:05

Sau hai năm căng thẳng thương mại, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào tháng 12/2019. Người phát ngôn của chính phủ ở cả hai nước đã nhanh chóng lên tiếng hoan nghênh việc ký kết thỏa thuận, trong khi nhiều nhà quan sát trên thế giới vẫn tỏ ra khá thận trọng.

Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, mối nguy hiểm mới đối với Đông Nam Á?

Sau hai năm căng thẳng thương mại, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào tháng 12/2019. Người phát ngôn của chính phủ ở cả hai nước đã nhanh chóng lên tiếng hoan nghênh việc ký kết thỏa thuận, trong khi nhiều nhà quan sát trên thế giới vẫn tỏ ra khá thận trọng.

* Mỹ nhắc Trung Quốc: 'Dù bị dịch corona cũng đừng quên thỏa thuận thương mại'

* Trump sẽ buộc EU ký thỏa thuận thương mại

Thành tựu chính của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 là làm dịu tình trạng leo thang căng thẳng các đòn trừng phạt thuế quan, khi cả hai bên đồng ý hủy bỏ các kế hoạch tăng thuế mới. Thế nhưng, thỏa thuận lại hầu như không cải thiện được tình hình hiện nay khi không dỡ bỏ được thuế quan hiện có đối với hơn 500 tỷ USD giao dịch song phương giữa Mỹ và Trung Quốc.

Những cuộc thảo luận về các vấn đề hóc búa nhất như trợ cấp nhà nước đã được gác sang một bên và để lại cho thỏa thuận “giai đoạn 2” trong tương lai. Tuy nhiên, các nhà quan sát thương mại bày tỏ quan ngại về nội dung của thỏa thuận yêu cầu Trung Quốc mua thêm 200 tỷ USD các sản phẩm của Mỹ trong hai năm tới. Thỏa thuận liệt kê cụ thể khoảng 549 sản phẩm mà Trung Quốc sẽ phải mua từ Mỹ, bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, chế tạo và liên quan đến năng lượng.

Một số lo ngại xoay quanh khả năng Trung Quốc có thể thực hiện cam kết tăng mua hàng từ Mỹ và rủi ro gia tăng đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, có lẽ, mối quan tâm nhất liên quan đến việc Mỹ chuyển sang áp dụng phương thức “thương mại quản lý”. Việc đưa các yêu cầu nhập khẩu đối với Trung Quốc vào trong thỏa thuận thương mại có nguy cơ vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu, làm méo mó và chuyển hướng thương mại thế giới. Đây chính là mấu chốt của vấn đề. Khả năng gây méo mó và chuyển hướng thương mại thế giới đe dọa gây ra một tương lai u ám cho các nhà xuất khẩu ở Đông Nam Á, vì khi Trung Quốc tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ sẽ khiến các nước khác trong khu vực phải trả giá.

Phân tích gần đây cho thấy các nước xuất khẩu nông nghiệp như Brazil, EU, Australia và New Zealand có thể chứng kiến nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp từ Trung Quốc suy giảm khi nước này tăng mua sản phẩm của Mỹ. Tương tự, các nguồn hàng sản xuất bên ngoài nước Mỹ như EU, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có thể bị ảnh hưởng, trong khi các sản phẩm liên quan đến năng lượng trong danh sách 549 sản phẩm nói trên sẽ ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu các sản phẩm này ở vùng Vịnh và Australia.

Các quốc gia Đông Nam Á cũng sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Trong số các nền kinh tế xuất khẩu chính trong khu vực, Malaysia sẽ là quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất, khi có tới 83% hàng xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc (trị giá 52,7 tỷ USD) tương tự như 549 sản phẩm được nêu trong thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1. Do đó, Malaysia có nguy cơ mất thị phần cho các nhà sản xuất Mỹ.

Sau Malaysia, các nền kinh tế bị tác động nhiều nhất ở Đông Nam Á là Philippines và Singapore với lần lượt 82% và 66% hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Việt Nam và Thái Lan sẽ ít chịu tác động hơn do có chưa đến 65% hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Mặc dù thỏa thuận giai đoạn 1 làm giảm bớt những quan ngại về khả năng tiếp tục leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, song nó cũng gây ra những rủi ro và những ẩn số mới, đặc biệt là làm cho chủ nghĩa bảo hộ thương mại và thuế quan trở thành điều bình thường mới. Kể từ đầu năm 2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã mở rộng áp đặt thuế quan đối với sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962 vì lý do an ninh quốc gia, thiết lập một quy tắc cho phép Mỹ áp thuế quan đối với hàng xuất khẩu từ bất kỳ nước nào bị coi là "kẻ thao túng tiền tệ", và hiện đang xem xét rút khỏi Thỏa thuận mua sắm chính phủ của WTO. Các nhà quan sát thương mại không thể tự hài lòng khi “người đàn ông thuế quan” còn đang nắm quyền.

Diệp Anh

Báo Hải Quan

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma