Thu ngân sách mới đủ chi thường xuyên và trả nợ?

16/10/2018 07:05

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng thu ngân sách chỉ mới đủ cho chi thường xuyên và trả nợ. Trong khi đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định “nói như vậy là chưa chính xác”.

Thu ngân sách mới đủ chi thường xuyên và trả nợ?

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng thu ngân sách chỉ mới đủ cho chi thường xuyên và trả nợ. Trong khi đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định “nói như vậy là chưa chính xác”.

Chất lượng tăng trưởng thấp so với yêu cầu

Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Quốc hội (QH) về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm 2016 - 2018 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 15.10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Vũ Hồng Thanh đánh giá cao những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội năm 2018 và giai đoạn 3 năm 2016 - 2018, cho đây là kết quả từ sự nỗ lực chỉ đạo của Chính phủ cũng như toàn hệ thống chính trị.

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước dự kiến vượt dự toán nhưng chưa thật bền vững, chưa đáp ứng được yêu cầu ngân sách T.Ư giữ vai trò chủ đạo, thu ngân sách chỉ mới đủ cho chi thường xuyên và trả nợ

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH - Vũ Hồng Thanh

Tuy nhiên, ông Thanh cũng đánh giá, chất lượng tăng trưởng kinh tế 3 năm qua dù đã được cải thiện song vẫn ở mức thấp so với yêu cầu. 

Theo ông Thanh, năng suất lao động xã hội bình quân 3 năm tăng 5,6% nhưng vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang dần chững lại; công nghiệp khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn, ít dư địa phát triển. Mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã có cải thiện, nhưng nhập siêu của khu vực này còn lớn, xuất khẩu còn phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

“Công tác quản lý thu có chuyển biến tích cực, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước dự kiến vượt dự toán nhưng chưa thật bền vững, chưa đáp ứng được yêu cầu ngân sách T.Ư giữ vai trò chủ đạo, thu ngân sách chỉ mới đủ cho chi thường xuyên và trả nợ; năm 2018, các khoản thu thể hiện nội lực của nền kinh tế ở 3 khu vực kinh tế quan trọng đều không đạt dự toán, cần phải được phân tích, làm rõ nguyên nhân”, ông Thanh nhấn mạnh.

Trong phát biểu sau đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng trong các báo cáo của Chính phủ và các ủy ban của QH nên nhấn mạnh nhiệm vụ giai đoạn này là “nhiệm vụ kép” khi một mặt thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, mặt khác phải giải quyết những khó khăn tích tụ từ trước. Khi đánh giá cần có sự nhìn nhận rõ ràng hơn một số vấn đề từ cơ cấu đầu tư công, thu ngân sách cho tới kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) nhà nước.

“Báo cáo thẩm tra nói ý thu ngân sách chỉ đủ chi thường xuyên và trả nợ thôi thì chưa chính xác. Chúng tôi đã tính toán, năm 2016 chúng ta tích lũy để đầu tư được 10.000 tỉ đồng, năm 2017 là 69.000 tỉ đồng, năm 2018 là 63.500 tỉ đồng và dự toán năm 2019 là 67.300 tỉ đồng. Vậy nên, nói thu ngân sách cơ bản đủ chi thường xuyên và trả nợ thì hợp lý hơn”, Phó thủ tướng nói và cho biết thêm cơ cấu chi cũng đã có chuyển biến tích cực khi tỷ lệ chi thường xuyên đầu nhiệm kỳ là 70% thì nay chỉ còn 64%.

Báo cáo thẩm tra nói ý thu ngân sách chỉ đủ chi thường xuyên và trả nợ thôi thì chưa chính xác. Chúng tôi đã tính toán, năm 2016 chúng ta tích lũy để đầu tư được 10.000 tỉ đồng, năm 2017 là 69.000 tỉ đồng, năm 2018 là 63.500 tỉ đồng và dự toán năm 2019 là 67.300 tỉ đồng

Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ

Nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào khu vực nước ngoài

Mặc dù đánh giá cơ cấu lại kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đã đi vào thực chất hơn, tạo ra các chuyển biến quan trọng và rõ nét, báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Nghị quyết QH về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ, do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày tại phiên họp, cũng nhìn nhận việc cơ cấu lại nền kinh tế vẫn đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Cơ cấu lại nền kinh tế chưa đạt được tiến bộ mạnh mẽ trong lĩnh vực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Môi trường kinh doanh được cải thiện chủ yếu ở lĩnh vực điều kiện gia nhập thị trường. Khu vực DN tư nhân, nhất là DN vừa và nhỏ, vẫn yếu thế trong quá trình phân bổ nguồn lực vật chất so với DN nhà nước và DN FDI.

“Những bất cập thể chế về đất đai, quyền tài sản bao gồm giao dịch đảm bảo, xử lý tài sản thế chấp, thủ tục phá sản... vẫn chậm được giải quyết. Đây vẫn là những trở ngại lớn cản trở lực lượng sản xuất phát triển”, ông Dũng đánh giá.

Cũng theo ông Dũng, mô hình tăng trưởng của nền kinh tế chưa thay đổi bền vững. Cơ cấu các nguồn lực, đặc biệt bao gồm lao động, vốn và tài nguyên, chưa được dịch chuyển mạnh đến các ngành và khu vực kinh tế có năng suất lao động, hiệu quả cao. Nền kinh tế tiếp tục có nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” và có nguy cơ tụt hậu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Cạnh đó, ông Dũng nhấn mạnh mức độ phụ thuộc của nền kinh tế vào khu vực kinh tế nước ngoài chưa giảm. Theo đó, nền kinh tế tiếp tục có độ mở cửa rất cao đo bằng tỷ lệ xuất nhập khẩu trên GDP. Vốn đầu tư khu vực FDI năm 2017 chiếm 24% tổng vốn đầu tư xã hội và khoảng 71 - 72% kim ngạch xuất khẩu so với 68,5% năm 2015.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm 2016 - 2018 có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, Chủ tịch QH đề nghị cần phải chú ý tới những rủi ro về tác động của kinh tế thế giới, nhất là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung; những rủi ro về lạm phát và tỷ giá…

Chủ tịch QH cũng cho rằng, những hạn chế, tồn tại mà báo cáo thẩm tra chỉ ra là rất có cơ sở và Chính phủ cũng nên chuẩn bị kỹ các báo cáo chi tiết để có thể giải trình thêm trước QH, như phải làm rõ chất lượng tăng trưởng kinh tế so với yêu cầu và vị trí so với khu vực; mức độ bền vững của tăng trưởng kinh tế; mức độ thực thi của việc cải thiện môi trường kinh doanh hay vì sao năng suất lao động năm nay không bằng năm trước…

Lê Hiệp

THANH NIÊN

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma