Thuế thu nhập cá nhân quá... tận thu

03/12/2019 06:19

Số thu từ thuế thu nhập cá nhân tăng gần 4 lần sau 9 năm, nhưng mức giảm trừ gia cảnh vẫn “đứng im tại chỗ”.

Thuế thu nhập cá nhân quá... tận thu

Số thu từ thuế thu nhập cá nhân tăng gần 4 lần sau 9 năm, nhưng mức giảm trừ gia cảnh vẫn “đứng im tại chỗ”.

Thuế thu nhập cá nhân quá... tận thu
Sau 9 năm, số thu từ thuế thu nhập cá nhân đã tăng gần 4 lần. Ảnh: Ngọc Thắng

Tăng gần 4 lần sau 9 năm

Báo cáo của Tổng cục Thống kê 11 tháng năm 2019 cuối tuần qua cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 15.11 ước tính đạt gần 1,3 triệu tỉ đồng. Trong đó, thu từ dầu thô 49.500 tỉ đồng, bằng 111,1% (so với cùng kỳ 2018); thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 194.500 tỉ đồng bằng 102,8%. Về cơ cấu các sắc thuế, thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài nhà nước 204.700 tỉ đồng, bằng 84,8%; thu thuế bảo vệ môi trường 50.800 tỉ đồng; thu tiền sử dụng đất 115.300 tỉ đồng, bằng 128,1%.

Riêng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) hiện đã tăng lên tới 4 lần. Thuế TNCN thấp hơn thu từ công, thương nghiệp và sử dụng đất, song trong gần 10 năm trở lại đây, kể từ khi luật Thuế TNCN được ban hành, số thu vào ngân sách của sắc thuế này đang tăng rất mạnh. Cụ thể, năm 2010 thu chỉ đạt khoảng hơn 26.000 tỉ đồng, hiện đã tăng lên tới 97.800 tỉ đồng (gần 4 lần).

Tính từ khi luật Thuế TNCN có hiệu lực năm 2013 đến nay, CPI đã tăng khoảng hơn 20%. Cụ thể, năm 2013 CPI tăng 6,03%; năm 2014 tăng 4,09%; năm 2015 tăng 0,63%; năm 2016 tăng 4,74%; năm 2017 tăng 3,53%; 8 tháng đầu năm 2018 tăng 2,59%. Như vậy tính tới thời điểm hiện tại, CPI đã tăng 21,61%. Dự kiến CPI năm nay tăng khoảng 4%

Theo quy định hiện hành, mỗi cá nhân khi tính thuế thu nhập được giảm trừ 9 triệu đồng/người cho bản thân và 3,6 triệu đồng cho 1 người phụ thuộc. Đáng nói, luật Thuế TNCN quy định, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Từ khi luật Thuế TNCN có hiệu lực năm 2013 đến nay, chỉ số giá tiêu dùng tăng hơn 20%, kéo theo mọi sản phẩm, dịch vụ và vật giá đều tăng tương ứng.

Ví dụ, một ký thịt trước kia 150.000 đồng, nay tăng lên 170.000 đồng/kg; gạo 20.000 đồng/kg, tăng lên 24.000 đồng/kg... Ngoài ra, chi phí giáo dục, y tế, xăng, điện, nước cũng đều tăng tương ứng, thậm chí tăng cao hơn theo chính sách đặc thù của từng lĩnh vực. Riêng thuế TNCN thì mức giảm trừ gia cảnh vẫn đứng im một chỗ, còn số thu từ thuế đã tăng chóng mặt theo từng năm.

“Tiền thuế đóng mỗi năm một tăng, lương thì ì ạch, vật giá leo thang như vậy thì người nộp thuế sao đủ sức để có thể đóng thuế, chứ chưa nói đến việc để dành tiền mà tái tạo sức lao động, chăm lo cho cuộc sống gia đình”, chuyên gia tài chính, PSG-TS Ngô Trí Long bức xúc.

Tại một cuộc họp báo gần đây, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý TNCN, Bộ Tài chính đưa ra thống kê cho thấy, chỉ số CPI đã vượt trên 20%, chi phí sinh hoạt ngày một đắt đỏ hơn. Do đó, theo luật cần phải sửa đổi. Cả 2 mức giảm trừ gia cảnh

9 triệu đồng và 3,6 triệu đồng này đã quá lạc hậu, sẽ được điều chỉnh tăng. “Hiện tại, Vụ Chính sách thuế đang chủ trì báo cáo Bộ Tài chính. Sau đó, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ cho ý kiến rồi trình ra Quốc hội”, bà Lan thông tin thêm.

Theo giải trình của Chính phủ với Quốc hội khi sửa luật này cách đây 6 năm, mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng đối với người làm công ăn lương, được tính toán bằng 2,5 lần GDP bình quân đầu người năm 2014. Nếu căn cứ vào GDP bình quân đầu người năm 2018 là 2.540 USD/năm (tương đương 4,9 triệu đồng/tháng) để tính mức giảm trừ gia cảnh thì trong kỳ tính thuế tới (năm 2020), mức giảm trừ gia cảnh sẽ là 12 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, mức giảm trừ cho người phụ thuộc cũng phải tăng theo tương ứng. Đáng tiếc, từ đó đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa đưa ra được phương án sửa đổi để trình Chính phủ cho ý kiến.

Bất bình đẳng

Điều khiến người nộp thuế bức xúc hơn cả là hiện nay do lỗ hổng trong quản lý thu nhập khiến sắc thuế TNCN chủ yếu “nắm người có tóc” tức người làm công ăn lương, cán bộ công chức, viên chức. Đặc biệt, người được trả thu nhập qua tài khoản ngân hàng. Còn đối tượng có nguồn thu nhập khủng bên ngoài như ca sĩ, diễn viên, người mẫu, bác sĩ... lại khó xác minh, khó thu thuế.

Gần đây, nổi lên những cá nhân, tổ chức có thu nhập “khủng” qua thương mại điện tử, trực tuyến bị truy thu thuế càng cho thấy rõ hơn sự bất bình đẳng này. Cục Thuế TP.Hà Nội cho biết, ngay từ đầu năm 2018, cơ quan này đã tiến hành thu thập thông tin các tổ chức, cá nhân phát sinh dòng tiền từ các tổ chức nước ngoài như Google Play, Apple Store, YouTube... Từ đó đã lập được danh sách hàng trăm cá nhân có phát sinh dòng tiền trên địa bàn Hà Nội. Cục Thuế TP.Hà Nội cũng đã phân loại và mời các cá nhân có doanh thu từ 1 tỉ đồng đến cơ quan thuế để tuyên truyền chính sách thuế, cấp mã số thuế (đối với trường hợp chưa có mã số thuế), hướng dẫn kê khai nghĩa vụ và giải đáp thắc mắc cho người nộp thuế. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ thu được trên 15 tỉ đồng tiền thuế. Đáng chú ý, 1 trường hợp, cá nhân có doanh thu 80 tỉ đồng chưa thực hiện nghĩa vụ thuế. Cục này cũng đang hỗ trợ để thực hiện nghĩa vụ về thuế, nếu cá nhân này không thực hiện nghĩa vụ thuế sẽ xử lý theo quy định. Tại Cục Thuế TP.HCM, trong 3 năm từ 2016 - 2018, cũng có rất nhiều trường hợp tương tự, song cơ quan thuế rất khó thu được tiền.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia hiện nay, thuế suất thuế TNCN chia làm 7 bậc, từ 5% đến 35% là rất dày và rất cao so với nhiều nước trong khu vực như Singapore, Malaysia... Do đó, theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Basico, cần phải sửa lại các mức này, giảm thuế suất, gia tăng mức giảm trừ gia cảnh để nuôi dưỡng nguồn thu, tránh vắt kiệt sức của người nộp thì thuế TNCN mới công bằng và bền vững.

Anh Vũ

Thanh niên

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma