Thưởng tết teo tóp vì thuế

17/01/2020 08:45

Hồ hởi chờ tiền thưởng tết sau một năm lao động nhưng nhiều người đã phải ngậm ngùi vì bị khấu trừ thuế quá cao.

Thưởng tết teo tóp vì thuế

Hồ hởi chờ tiền thưởng tết sau một năm lao động nhưng nhiều người đã phải ngậm ngùi vì bị khấu trừ thuế quá cao.

* Khóc, cười tiền thưởng Tết 2020: Nhân viên ngân hàng người 9 tháng lương, người 'không một xu'!

* 4 cách dùng tiền thưởng Tết

* Ngành nghề nào sẽ thưởng Tết cao nhất?

Thưởng tết teo tóp vì thuế
Người dân làm thủ tục nộp thuế tại Cục Thuế TP.HCM. Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Sốc vì đóng thuế thu nhập

Bà Phương Minh làm việc tại một công ty nước ngoài ở Q.7 (TP.HCM) chưa kịp vui trọn vẹn khi nghe công ty chi trả lương tháng 13 thì tá hỏa thấy tài khoản chỉ nhận được 50% tháng lương, tương ứng gần 1.500 USD đã biến mất (hơn 35 triệu đồng) thay vì trọn tháng lương lên gần 3.000 USD. Bức xúc này của bà Phương Minh được kế toán giải thích, công ty tạm tính thuế trên thu nhập 2 tháng cộng lại lên gần 6.000 USD thay vì gần 3.000 USD, do đó thu nhập của bà Phương Minh rơi vào khung thuế suất 35%. Đây là mức công ty tạm tính thuế, đến khi nào thực hiện quyết toán thuế năm 2019 mới tính được tổng thu nhập và số thuế nộp, nếu nộp dư sẽ được hoàn lại, còn nếu thiếu sẽ phải nộp thêm.

“Sốc” và “xót quá” cũng là hai từ mà anh Nguyễn Phát tại Q.5, TP.HCM lặp đi lặp lại trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi về lương thưởng tết. Cụ thể cách đây 4 ngày, anh Phát được thông báo nhận tiền thưởng tết từ kế toán cơ quan với tổng cộng tương đương 4 tháng lương. Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang” khi số tiền được chuyển vào tài khoản thực nhận so với thông báo trước đó đã bị giảm đi khoảng 25 triệu đồng. “Nói là được 4 tháng lương nhưng đã bị trừ thuế 25%, tương đương trừ hẳn 1 tháng lương. Nhận tiền thưởng tết mà quá sốc vì thuế. Trong khi cả năm 2019 mình mới bị trừ thuế thu nhập cá nhân chỉ ở mức 10%. Kế toán chỉ nói là tạm trừ rồi trong năm tổng hợp lại. Nhưng mà cuối năm bao nhiêu thứ phải chi tiêu mà bị cắt hẳn một cục to vậy thấy xót quá. Nhận thưởng mà thấy không phấn khởi tí nào”, anh Phát than.

Tương tự, bà Phan Thị Nga, làm việc tại một công ty dệt vải lớn của Đài Loan tại Bình Dương, cho hay công ty thưởng năm nay được 1,5 tháng lương. Do lương năm nay tăng lên nên số thưởng cũng nhỉnh hơn năm trước, lên khoảng 30 triệu đồng. Thế nhưng công ty tạm tính trừ thuế đến 4 triệu đồng và được giải thích áp dụng chính sách khấu trừ thuế như sau: dưới 9 triệu đồng trừ thuế 5%, 9 - 18 triệu đồng trừ 10%, trên 18 triệu trừ 15%. “Kế toán nói trừ trước để ra tết khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN), không phải đóng thêm tiền thuế. Nếu mà không bị trừ 4 triệu đồng tiền thuế thì sẽ biếu thêm cho ông bà nội ngoại chi tiêu”, bà Nga cho hay.

Thuế TNCN đã quá lạc hậu!

Trong khi doanh nghiệp chi trả tháng lương 13 cũng được khấu trừ vào chi phí hoạt động trong năm trước khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì người lao động nhận bất cứ tiền nào cũng phải đóng thuế. Tiền thưởng tết cũng dựa theo biểu thuế lũy tiến từng phần như với thu nhập tiền lương, gồm 7 bậc từ 5% đến 35%. Lãnh thưởng càng cao thì đóng thuế càng nhiều. Ví dụ nhận thưởng trên 80 triệu đồng trở lên sẽ phải đóng thuế ở mức cao nhất là 35%, tương đương người nhận sẽ phải nộp 28 triệu đồng và chỉ còn thực nhận 52 triệu đồng. Đó là chưa kể nhiều trường hợp trong năm khi cá nhân chưa đóng đủ tiền thuế thì còn bị trừ nhiều hơn để “bù”.

Báo Thanh Niên cũng như các chuyên gia tài chính đã nhiều lần chỉ rõ sự lạc hậu của chính sách thuế TNCN hiện nay. Các mức thuế TNCN được áp dụng từ năm 2013 với thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.960 USD nhưng đến hết năm 2019, con số này đã tăng lên khoảng 3.000 USD (theo cách tính GDP mới), tăng 53% nhưng mức giảm trừ gia cảnh cũng sau gần 7 năm vẫn đứng yên ở mức 9 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 3,6 triệu đồng/người với người phụ thuộc. Theo giải trình của Chính phủ với Quốc hội khi sửa luật này cách đây 6 năm, phần giảm trừ gia cảnh với người lao động được tính toán bằng 2,5 lần GDP bình quân đầu người năm 2014. Nếu giữ nguyên công thức này, mức giảm trừ gia cảnh phải là 17 triệu đồng/người/tháng.

Chia tiền thưởng thành nhiều đợt hoặc thưởng bằng cổ phiếu

TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhận định: Đối với các doanh nghiệp thì việc khấu trừ thuế ở mức cao sẽ an toàn nên họ chọn mức khấu trừ càng cao càng tốt, thà nộp dư hơn thiếu. Chính sách thuế TNCN hiện nay không khuyến khích người lao động mà nếu không thay đổi còn tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Chẳng hạn khi bị giảm thu nhập thì nhiều người sẽ tiết kiệm chi tiêu. Điều này không kích thích sức cầu của thị trường, nhất là dịp Tết âm lịch nên từ đó các ngành sản xuất cũng sẽ không phát triển.

“Bản thân người lao động và nhiều doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức thưởng cổ phiếu thay vì tiền mặt. Bởi khi bán cổ phiếu thì chỉ bị đóng thuế TNCN 0,1% trên giá bán, thấp hơn nhiều so với thuế TNCN phải nộp khi nhận thưởng bằng tiền mặt. Riêng những người lãnh đạo công ty thì việc nhận thưởng bằng cổ phiếu với trị giá lớn có thể chuyển qua công ty riêng để hạch toán bằng các loại chi phí hoạt động nên cũng làm giảm số thuế phải nộp”, TS Lê Đạt Chí phân tích thêm.

Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty tư vấn thuế Sài Gòn, phân tích: Nhà nước cần xem lại mức thu nhập tính thuế. Chẳng hạn như mức thu nhập vãng lai hiện nay 2 triệu đồng khấu trừ thuế 10% cần tăng lên mức cao hơn để tránh phát sinh những hồ sơ hoàn thuế. Riêng đối với tiền thưởng cuối năm của người lao động, các công ty cần áp dụng linh hoạt và chi trả thành nhiều đợt, chẳng hạn tháng lương 13 chia thành 2 đợt tạm ứng qua các tháng khác nhau để không làm phát sinh thu nhập của người lao động tăng đột biến khiến bị trừ thuế ở các mức cao hơn thu nhập bình thường trong năm.

Thanh Xuân

Thanh niên

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma