TP.HCM sẽ cấm xe máy như thế nào?

21/02/2019 21:15

Để có thể thực hiện mục tiêu cấm xe gắn máy vào trung tâm TP năm 2030, TP.HCM đã đề xuất 36 giải pháp theo nguyên tắc "kéo - đẩy".

TP.HCM sẽ cấm xe máy như thế nào?

Để có thể thực hiện mục tiêu cấm xe gắn máy vào trung tâm TP năm 2030, TP.HCM đã đề xuất 36 giải pháp theo nguyên tắc "kéo - đẩy".

Đến 2030, TP.HCM sẽ cấm xe gắn máy 2 - 3 bánh lưu thông vào khu vực trung tâm TP. Khả Hòa

Theo đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông ở TP.HCM mà Sở GTVT mới trình Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, 36 giải pháp được sắp xếp thành 3 nhóm, theo thứ tự ưu tiên kèm theo trách nhiệm của các cơ quan và nguồn lực thực hiện.

Phát triển xe buýt, xe đạp, xe gắn máy điện công cộng...

Cụ thể, nhóm thứ 1 - Nhóm giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng bao gồm 5 nhiệm vụ chính: Nâng cao năng lực Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP (trực thuộc Sở GTVT) bằng cách rà soát, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Trung tâm phù hợp với từng giai đoạn phát triển của hệ thống giao thông công cộng. Sở GTVT cũng dự kiến sẽ  hình thành cơ quan Quản lý giao thông công cộng trực thuộc UBND TP (tương đương cấp Sở) thay thế Trung tâm Quản lý giao thông công cộng hiện nay khi hệ thống đường sắt đô thị hình thành và hoạt động chính thức theo quy hoạch.

Song song, phát triển mạng lưới xe buýt theo kế hoạch chi tiết phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân, triển khai các tuyến buýt có trợ giá đưa rước học sinh (school bus), phát triển hệ thống mini bus hoạt động trong khu vực hẻm, khu vực hạn chế về hạ tầng giao thông và các khu dân cư nội bộ; Khuyến khích phát triển các phương tiện xe đạp, xe gắn máy điện công cộng... để kết nối các phương thức vận tải hành khách công cộng khác; Triển khai đưa tuyến BRT số 1 vào hoạt động trước năm 2020, Tập trung ưu tiên mạnh mẽ nguồn lực hoàn thành, đưa vào sử dụng 3 tuyến metro số 1, 2, 3 cùng các tuyến tramway, BRT còn lại trước năm 2030; Phát triển đa dạng hóa loại hình "taxi thủy"...

Vận tải hành khách công công bằng xe buýt vẫn giữ vai trò chủ đạo cho đến khi hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn hình thành. Độc Lập

Đối với nhóm 2 - Nhóm giải pháp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân, Sở GTVT sẽ bắt đầu bằng các biện pháp "đánh" vào kinh tế như thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP. Thu phí ô nhiễm môi trường đối với các phương tiện cơ giới. Đồng thời, phân vùng hạn chế của xe mô tô, xe gắn máy 2 - 3 bánh phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới cấm tại một số khu vực trung tâm vào giai đoạn 2025 - 2030; Hạn chế số lượng ô tô đăng ký mới, kết hợp hạn chế xe có biển số tỉnh lưu thông vào trung tâm thành phố theo lộ trình. Sở GTVT cũng sẽ triển khai thực hiện tổ chức không gian đi bộ khu vực trung tâm thành phố khi tuyến metro số 1 đi vào khai thác.

Kết nối đường thủy nội địa và đường bộ

Nhóm 3 là nhóm các giải pháp hỗ trợ như: rà soát, bố trí các bến hàng hóa tổng hợp kết nối giữa đường thủy nội địa và đường bộ; Quy định các công trình chung cư cao tầng, trung tâm thương mại lớn phải đánh giá tác động giao thông khu vực xung quanh dự án; Nghiên cứu thành lập quỹ phát triển giao thông công cộng; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức, quản lý, điều hành giao thông...

Hạn chế xe cá nhân vẫn là giải pháp tất yếu để giải bài toán ùn tắc giao thông cho TP.HCM. Ngọc Dương

Các nhóm giải pháp sẽ được triển khai đồng bộ, tương trợ lẫn nhau theo từng giai đoạn 2018 - 2020; 2021 - 2025; 2026 - 2030.

Sở GTVT TP.HCM  thừa nhận khi triển khai các giải pháp kiểm soát xe gắn máy theo lộ trình đến 2030, hiện tượng ùn tắc cục bộ sẽ xuất hiện tại các điểm trông giữ xe khu vực bên ngoài vành đai hạn chế, điểm dừng, nhà chờ, nhà ga... do lượng khách sử dụng vận tải hành khách công cộng gia tăng. Đồng thời, một bộ phận người dân bị ảnh hưởng quyền lợi sẽ không có sự đồng thuận, chia sẻ với các giải pháp của đề án.

"Tuy nhiên hạn chế nhu cầu lưu thông bằng phương tiện cơ giới cá nhân là cần thiết. Đề án khi được triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, tiết kiệm chi phí chung cho xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng hình ảnh thành phố văn minh, hiện đại, phát triển bền vững" - đại diện Sở GTVT khẳng định và nhấn mạnh việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ chỉ triển khai khi hệ thống giao thông công cộng cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Hà Mai

Thanh Niên

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma