Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống có thể lên 3.7% nếu dịch bệnh kéo dài đến quý 2/2020

10/04/2020 15:14

Theo báo cáo Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 10/04/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng toàn hệ thống bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và dự báo rủi ro tiềm ẩn nợ xấu tăng cao.

Tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống có thể lên 3.7% nếu dịch bệnh kéo dài đến quý 2/2020

Theo báo cáo Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 10/04/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết khoảng 2 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng toàn hệ thống bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và dự báo rủi ro tiềm ẩn nợ xấu tăng cao.

Theo báo cáo, tăng trưởng kinh tế quý 1/2020 thấp nhất trong 2 thập kỷ, đạt 3.82% trong bối cảnh người dân các nước hạn chế đi lại, chi tiêu, giao thông gián đoạn. Dịch vụ sản xuất đều bị tác động mạnh. Lạm phát tháng 03/2020 có mức giảm theo tháng kỷ lục trong 2 thập kỷ, ở mức -0.72% so với tháng trước và là tháng giảm thứ 3 liên tiếp sau Tết Nguyên đán; so với cùng kỳ tăng 4.8% và bình quân 3 tháng đầu năm là 5.56%, dù cao hơn mục tiêu 4% nhưng liên tục trong xu hướng giảm mạnh từ đầu năm. Dự kiến quý 2/2020 mới là đáy tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp trong và ngoài nước.

Dự báo cho năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo lạm phát từ 3.96-4.86%. Theo NHNN, lạm phát năm 2020 có thể về mức 4% nếu tình hình dịch bệnh phức tạp kéo dài, khiến giá dầu duy trì ở mức thấp như hiện nay và cầu của nền kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực thời gian tới. 

Tín dụng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước

Đến ngày 31/03/2020, dư nợ tín dụng đạt hơn 8.3 triệu tỷ đồng, tăng 1.3% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 3.19%), nhịp độ tăng từng tháng có xu hướng cải thiện (tháng 1 tăng 0.1%, tháng 2 tăng 0.07% và tháng 3 tăng 1.1%).

Theo đánh giá sơ bộ, đến nay dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng. Trong đó, dư nợ một số ngành kinh tế bị ảnh hưởng.

Nông, lâm nghiệp và thủy sản bị ảnh hưởng khoảng 157,000 tỷ đồng, chiếm 1.9% dư nợ nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các dư nợ đối với các ngành hàng rau quả, thủy sản, cà phê, chè, hạt tiêu.

Khai khoáng bị ảnh hưởng khoảng 45,000 tỷ đồng, chiếm 0.5% dư nợ nền kinh tế, tập trung vào dư nợ đối với khai thác than, dầu thô, quặng kim loại.

Công nghiệp chế biến – chế tạo bị ảnh hưởng khoảng 520,000 tỷ đồng, chiếm 6.3% tổng dư nợ, chủ yếu là ngành chế biến thực phẩm, đồ uống khoảng 193,000 tỷ đồng, xi măng khoảng 104,000 tỷ đồng, chế biến gỗ khoảng 86,000 tỷ đồng.

Các dự án BOT, BT giao thông bị ảnh hưởng khoảng 110,000 tỷ đồng, chiếm 1.35% tổng dư nợ. Hoạt động kinh doanh bất động sản có dư nợ 145,000 tỷ đồng bị ảnh hưởng, chiếm 1.75% tổng dư nợ. Dư nợ Giáo dục đào tạo bị ảnh hưởng 30,000 tỷ đồng, chiếm 0.36% tổng dư nợ.

Tiềm ẩn nợ xấu tăng

Theo ước tính của NHNN, với 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế như Bộ kế hoạch và Đầu tư đưa ra.

Nếu dịch bệnh được kiểm soát trong quý 1, tỷ lệ nợ xấu (nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) sẽ ở mức 2.9 – 3.2% đến cuối quý 2 và từ 2.6 – 3% đến cuối năm 2020.

Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quý 2, tỷ lệ này sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý 2 và 3.7% cuối năm 2020 và có thể còn cao hơn nữa. Và điều này có thể ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và khả năng hồi phục của các tổ chức tín dụng yếu kém.

Hàn Đông

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma