Vàng thế giới tăng 2 tháng liên tiếp

01/12/2018 10:22

Các hợp đồng vàng tương lai quay đầu giảm nhẹ vào ngày thứ Sáu (30/11), do đồng USD tiếp tục tăng, qua đó khiến kim loại quý giảm giá trong tuần qua, nhưng giá vàng vẫn ghi nhận 2 tháng tăng liên tiếp, MarketWatch đưa tin.

Vàng thế giới tăng 2 tháng liên tiếp

Các hợp đồng vàng tương lai quay đầu giảm nhẹ vào ngày thứ Sáu (30/11), do đồng USD tiếp tục tăng, qua đó khiến kim loại quý giảm giá trong tuần qua, nhưng giá vàng vẫn ghi nhận 2 tháng tăng liên tiếp, MarketWatch đưa tin.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hợp đồng vàng giao tháng 2 lùi 4.40 USD (tương đương 0.4%) xuống 1,226 USD/oz và giảm gần 0.3% trong tuần qua. Tuy nhiên, trong tháng 11, hợp đồng này đã tăng 0.9%.

Theo CNBC, cũng trong ngày thứ Sáu, hợp đồng vàng giao ngay mất 0.11% còn 1,222.31 USD/oz.

Vàng đã suy yếu trong phiên giao dịch điện tử cuối ngày thứ Năm, ngay sau khi biên bản cuộc họp chính sách tháng 11 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cho biết mọi thành viên của Ủy ban đều ủng hộ kế hoạch nâng lãi suất “khá sớm”.

Cuộc họp gần đây nhất của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ đã giúp ổn định đồng USD, gợi ý rằng vẫn nâng lãi suất trong tháng 12 như dự kiến, ngay cả khi các phát biểu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này cho thấy khả năng nâng lãi suất trong năm 2019 có thể ít chắc chắn hơn.

Vào ngày thứ Sáu, chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – tiến 0.5% lên 97.25. Đồng USD mạnh hơn thường làm giảm nhu cầu đầu tư các hàng hóa được neo giá theo đồng bạc xanh, như vàng, và ngược lại. Chỉ số này đã tăng 0.3% trong tuần này và nhích 0.1% trong tháng 11, dữ liệu từ FactSet cho thấy.

Bất chấp giao dịch ảm đạm gần đây của vàng, một số nhà đầu tư vẫn duy trì triển vọng tương đối lạc quan đối với vàng trong quý 1/2019. Mark O’Byrne, Giám đốc nghiên cứu tại GoldCore, nhận định: “Có một số rủi ro rất thực tế có khả năng ảnh hưởng đến các tài sản có rủi ro, và có thể nhìn thấy sự quay lại của nhu cầu trú ẩn an toàn ở kim loại quý”.

“Những rủi ro đó bao gồm Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng với sự không chắc chắn về chính trị và triển vọng kinh tế Mỹ, cũng như tình hình tại châu Âu với vấn đề Brexit, Italy cùng những thách thức chính trị và tài chính đối mặt với Anh và Liên minh châu Âu (EU)”, ông O’Byrne chia sẻ.

Nhìn chung, nhiều nhà đầu tư vẫn duy trì triển vọng khá ảm đạm đối với nền kinh tế Mỹ, với dự báo rằng một cuộc suy thoái có thể diễn ra vào năm 2019 và 2020, khi Fed hướng đến mục tiêu bình thường hóa lãi suất. Sự suy thoái kinh tế ở Mỹ và các khu vực khác trên thế giới đã cũng gây sức ép lên chứng khoán Mỹ.

Hôm thứ Tư (28/11), trong bài phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York, Chủ tịch Fed, Jerome Powell, cho biết: “Lãi suất vẫn còn thấp theo tiêu chuẩn lịch sử, và chúng chỉ ngay dưới mức trung lập được dự kiến cho nền kinh tế”. Những nhận định của ông dường như thể hiện quan điểm “bồ câu” nhiều hơn so với hồi đầu tháng 10/2018 khi ông cho rằng lãi suất còn cách xa mức trung lập.

Ngoài ra, nhà đầu tư trên thế giới đang theo dõi diễn biến tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, nơi có thể xác định triển vọng ngắn hạn đối với mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khi những căng thẳng leo thang giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là yếu tố chính khiến thị trường lo ngại.

Trong số các kim loại trên sàn Comex, hợp đồng bạc giao tháng 3 lùi 1.3% xuống 14.217 USD/oz. Hợp đồng đồng giao tháng 3 hạ gần 0.1% xuống 2.788 USD/lb.

Hợp đồng paladi giao tháng 3 mất 0.6% còn 1,144.60 USD/oz. Hợp đồng bạch kim giao tháng 1 sụt 2.6% xuống 799.80 USD/oz.

An Trần

Fili

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma