VDSC: Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng trở lại từ 2020

01/01/2020 09:00

Với giả định chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đồng điệu theo hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua việc ổn định tâm lý tiêu dùng hộ gia đình và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển, CTCK Rồng Việt (VDSC) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 sẽ ở trong mức 6.6-6.9% so với năm 2019.

VDSC: Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng trở lại từ 2020

Với giả định chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đồng điệu theo hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua việc ổn định tâm lý tiêu dùng hộ gia đình và hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển, CTCK Rồng Việt (VDSC) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 sẽ ở trong mức 6.6-6.9% so với năm 2019.

Sự đồng điệu trong điều hành chính sách vĩ mô mà VDSC đề cập bao gồm việc duy trì chính sách tiền tệ ổn định với mục tiêu đảm bảo thanh khoản trong hệ thống ngân hàng và ổn định/giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường dân cư, kết hợp với sự dịch chuyển chính sách tài khóa theo hướng tăng giải ngân vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm.

Theo VDSC, mặc dù vẫn còn dư địa cắt giảm lãi suất điều hành nhưng những đòi hỏi về ổn định vĩ mô liên quan tới sự cân đối giữa tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng GDP danh nghĩa, và kiểm soát lạm phát là những giới hạn chính đối với chính sách tiền tệ.

Trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa ước tính giảm về mức 9%/năm, thấp hơn so với mức tăng trưởng 10-11%/năm trong 3 năm trước. Ngoài ra, điểm nhấn trong năm 2020 đến từ câu chuyện lạm phát khi áp lực tăng giá hàng hóa trong nước sẽ tăng lên, đặc biệt do giá thịt lợn đang tăng phi mã.

Tính tới nửa đầu tháng 12, giá thịt heo hơi đã tăng gấp đôi so với giai đoạn đầu năm. Dịch lợn châu Phi (ASF) lây lan là nguyên nhân chính khiến nguồn cung thịt lợn giảm mạnh và buộc các chính phủ phải tăng cường nhập khẩu thịt lợn. Các nhà khoa học đang chạy đua để phát triển vắc-xin cho ASF. Rõ ràng, điều này không bắt nguồn từ chu kỳ biến động giá thịt heo do cung-cầu thường thấy. Do vậy, đây có thể coi là rủi ro lạm phát thực sự thay vì chỉ là những yếu tố chu kỳ ngắn hạn.

Trong kịch bản khả quan với giá định việc tái đàn đạt kết quả tốt, giá thịt lợn có thể giảm dần từ quý 2 và 3 năm sau. Qua đó, VDSC dự báo CPI 2020 sẽ ở mức 3.5% so với năm 2019.

Trong tháng 9 và 10/2019, NHNN liên tục cắt giảm lãi suất điều hành trên mọi mặt trận, gồm lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay OMO, lãi suất phát hành tín phiếu cũng như trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn. Tác động của sự điều chỉnh này thường có độ trễ và sẽ được ghi nhận trong nửa đầu năm 2020. Trong trường hợp cần thiết, VDSC đánh giá NHNN hoàn toàn có thể cắt giảm thêm 25 điểm % lãi suất điều hành trong quý 3/2020 để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả năm.

Quy mô vốn đầu tư công có thể giải ngân năm 2020 lên tới 500 nghìn tỷ, tăng 16% so với dự toán 2019

Trong bối cảnh chính sách tiền tệ có nhiều ràng buộc, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trước. Các năm qua, quá trình giải ngân vốn đầu tư công chậm chạp trong đó chính sách và luật pháp là một trong những yếu tố cốt lõi.

Từ năm 2020, VDSC  cho rằng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ bắt đầu tăng mạnh trở lại tại 04 lĩnh vực chính gồm: Đường cao tốc, sân bay,  nhiệt điện và hạ tầng chuẩn bị cho Sea Games 31. Quy mô vốn đầu tư công có thể giải ngân năm 2020 lên tới 500 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với dự toán 2019.

Năm 2020 là năm cuối cùng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 do Quốc hội đề ra. Ngay từ tháng 1/2020, Luật đầu tư công sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực và được kỳ vọng sẽ giải quyết những điểm nghẽn trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công.

Sự kiện khởi công các cấu phần đầu tiên của đại dự án Cao tốc Bắc Nam trong tháng 9 vừa qua được xem như điểm khởi đầu cho thời kỳ nâng cấp cơ sở hạ tầng trên quy mô lớn tại Việt Nam. Bên cạnh việc tái khởi công các dự án giao thông đường bộ trọng điểm đang bị chậm trễ, dự án cao tốc Bắc-Nam và sân bay Long Thành sẽ lần lượt được khởi công xây dựng trong 2 năm tới đây.

Dự án Cao tốc Bắc-Nam là xương sống trong hệ thống giao thông đường bộ của Việt Nam, sẽ kết nối và mang cơ hội phát triển tới các tỉnh/thành phố trên dải đất miền Trung. Tổng quy mô dự án đạt khoảng 5 tỷ USD, trong đó 3/11 tuyến đường/đoạn sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước (NSNN) đã và sẽ được triển khai trong quý 4/2019. Phần còn lại dự kiến sẽ dần triển khai từ quý 2/2020 theo hình thức PPP. Từng tuyến đường/đoạn dự kiến hoàn thành trong 18 tháng kể từ thời điểm khởi công.

Điểm nổi bật trong dự án Cao tốc Bắc-Nam gắn với việc Bộ giao thông vận tải công bố hủy đấu thầu quốc tế và chuyển sang đấu thầu trong nước. Với quy mô tổng mức đầu tư các dự án theo hình thức PPP trong cao tốc Bắc-Nam lên tới 4 tỷ USD, đây thực sự là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước.

Đi kèm với đó là thách thức huy động vốn cho dự án. Hiện tại, tìm nguồn vốn tín dụng cho các dự án đầu tư đường cao tốc vẫn đang là bài toán hóc búa do các ngân hàng thận trọng hơn cùng với những vướng mắc về cơ chế đầu tư công-tư (PPP) chưa hoàn toàn được giải quyết. Tuy nhiên, những nỗ lực gần đây từ phía nhà điều hành giúp huy động gần 9,000 tỷ đồng vốn tín dụng cho dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Hữu Nghị - Chi Lăng đã phát đi tín hiệu đảm bảo cung ứng đủ vốn cho các dự án trọng điểm của quốc gia.

Để chia lửa cho hệ thống tín dụng trong nước, mới đây IFC nhận được sự ủng hộ từ Bộ Tài Chính về kế hoạch phát hành trái phiếu Bông Sen, trái phiếu tiền đồng của IFC, ra thị trường quốc tế nhằm huy động vốn cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước mà không phải lo về tỷ giá.

Khang Di

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma