Việt Nam cần củng cố nội lực để ứng phó mọi rủi ro kinh tế

13/08/2018 22:06

Các nhà ngoại giao nhận định Việt Nam cần tăng cường tự chủ nền kinh tế nhằm ứng phó với rủi ro không chỉ từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mà từ mọi biến động khác.

Việt Nam cần củng cố nội lực để ứng phó mọi rủi ro kinh tế

Các nhà ngoại giao nhận định Việt Nam cần tăng cường tự chủ nền kinh tế nhằm ứng phó với rủi ro không chỉ từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung mà từ mọi biến động khác.

Ngày 13/8, trả lời báo chí bên lề Hội nghị Ngoại giao 30, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi khẳng định chiến tranh thương mại có tác động mang tầm thế giới, liên quan đến tất cả các nước.

"Đối với Việt Nam, ảnh hưởng càng sâu rộng”, Đại sứ nói, khẳng định Mỹ và Trung Quốc đều là hai đối tác thương mại hết sức quan trọng của Việt Nam.

Đại sứ Đặng Minh Khôi (phải) có cuộc gặp với đoàn sinh viên tài năng Việt Nam vào tháng 10/2017. Ảnh: Thành Duy.

Việt Nam đã vươn lên thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Mỹ đang đứng thứ 9 trong danh sách các nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Đồng thời, Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và là hai nước duy nhất có tổng GDP trên 10.000 tỷ USD.

Trong bối cảnh đó, Đại sứ Đặng Minh Khôi khẳng định Việt Nam cần củng cố nội lực, tăng cường tự chủ nền kinh tế, giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nhằm tiếp nhận luồng đầu tư dịch chuyển vào Việt Nam.

Cùng quan điểm với Đại sứ Đặng Minh Khôi, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh khẳng định các quyết định leo thang chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ tác động tới khu vực, khiến giao dịch thương mại bị ngắt quãng.

Thứ trưởng chia sẻ điều quan trọng nhất với Việt Nam là sẵn sàng có biện pháp ứng phó.

“Chúng ta phải kiên trì, kiên định chủ trương hội nhập quốc tế và đổi mới, cải cách kinh tế để phát triển. Nếu ta ở vị trí ngày càng lớn hơn, song trùng lợi ích với các nước nhiều hơn, đa dạng hóa thị trường nguồn cung thì đó là biện pháp tốt nhất ứng phó với rủi ro kinh tế, không chỉ chiến tranh thương mại mà cả những tình hình kinh tế bất thường khác”, ông nói.

Đã có nhiều năm làm đại sứ tại Mỹ, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh dự đoán cọ xát thương mại Mỹ - Trung có thể sẽ kéo dài. Tuy nhiên, hai nước này vẫn có những điểm song trùng lợi ích, với hơn 60 cơ chế hợp tác. Do đó, thứ trưởng khẳng định Việt Nam mong muốn hai bên có cơ chế đối thoại để tìm ra giải pháp phù hợp, hài hòa lợi ích.

Tổng thống Trump công bố quyết định đánh thuế trừng phạt Trung Quốc hôm 22/3 tại Nhà Trắng. Ảnh: Bloomberg.

Hiện Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy chiến tranh thương mại với những lệnh áp thuế hàng chục tỷ USD nhắm vào hàng hóa của nhau. Trong diễn biến mới nhất, Mỹ công bố danh sách các mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc sắp chịu mức thuế 25% bắt đầu từ ngày 23/8.

Đáp trả thuế quan nặng nề của Mỹ, Trung Quốc cảnh báo sẵn sàng áp đặt thuế nhập khẩu đối với 16 triệu USD hàng hóa Mỹ, tiếp tục leo thang cuộc chiến thương mại song phương.

Trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa Trung Quốc và Mỹ trị giá khoảng 650 tỷ USD mỗi năm. Theo CNN, đây là mối quan hệ thương mại song phương lớn nhất trên thế giới.

Trà My - Ngọc Hà

Zing

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma