WSJ: Trung Quốc hủy bỏ đàm phán thương mại với Mỹ

22/09/2018 10:40

Trung Quốc đã hủy bỏ các cuộc đàm phán với Mỹ và sẽ không còn cử Phó Thủ tướng Lưu Hạc tới Washington vào tuần tới, dựa trên thông tin từ The Wall Street Journal (WSJ).

WSJ: Trung Quốc hủy bỏ đàm phán thương mại với Mỹ

Trung Quốc đã hủy bỏ các cuộc đàm phán với Mỹ và sẽ không còn cử Phó Thủ tướng Lưu Hạc tới Washington vào tuần tới, dựa trên thông tin từ The Wall Street Journal (WSJ).

Phái đoàn cấp trung (mid-level) từ Trung Quốc đã đến với Thủ đô nước Mỹ để chuẩn bị cho chuyến đi của ông Lưu Hạc và giờ thì chuyến đi đó đã bị hủy bỏ, WSJ ghi nhận.

Ông Trump đã áp hàng rào thuế quan lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và đe dọa áp thêm nếu Bắc Kinh trả đũa. Trong ngày thứ Ba (18/09), Trung Quốc cho biết sẽ áp hàng rào thuế quan lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ, và sẽ có hiệu lực từ ngày 24/09/2018.

Tại một cuộc họp báo ngày thứ Năm (20/09), khi được hỏi liệu hai bên có tiến tới vòng đàm phán thương mại mới, Gao Feng, Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc, cho hay, hàng rào thuế quan mới từ Mỹ đem lại “sự bất ổn mới” cho các cuộc đàm phán Mỹ-Trung. Ông Gao sử dụng lại những từ ngữ mà Bộ Thương mại Trung Quốc đã sử dụng trong tuyên bố trước đó.

Trước đó, chính quyền Donald Trump cho biết, họ cần phải đối mặt với Trung Quốc về những hành vi thương mại để bảo vệ lợi ích lâu dài của nước Mỹ, ngay cả khi các rủi ro leo thang đang gây ra nỗi đau cho người tiêu dùng Mỹ. Việc không hành động sẽ khiến nền kinh tế và người tiêu dùng trở nên tồi tệ hơn trong dài hạn, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo trong ngày thứ Sáu (21/09).

Phần lớn doanh nghiệp Mỹ đều lên tiếng phản đối việc chính quyền Trump sử dụng hàng rào thuế quan để buộc Trung Quốc thay đổi. Trước tình cảnh này, các công ty từ Walmart Inc. cho tới Gap Inc. và Samsonite International SA cho biết, họ đã sẵn sàng nâng giá nếu hàng rào thuế quan mới tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của họ.

Trong ngày thứ Hai (17/09), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ áp thêm thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung quốc và mức thuế này sẽ tăng lên 25% vào đầu năm 2019. Hàng rào thuế quan này dự kiến có hiệu lực từ ngày 24/09/2018. Chưa hết, ông còn dọa áp lên thêm 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc – tức là gần như tất cả hàng hóa tiêu dùng khác, bao gồm điện thoại di động, giày và quần áo.

Đáp trả lại, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp hàng rào thuế quan lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ, và cũng sẽ có hiệu lực từ ngày 24/09/2018.

Trước đó, Mỹ đã áp hàng rào thuế quan 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và từ đó, châm ngòi cho sự trả đũa từ phía Bắc Kinh.

Lập trường cứng rắn của Donald Trump

Donald Trump tiếp tục buông lời cứng rắn với Trung Quốc vào cuối tuần này, bao hiệu rằng cuộc chiến thương mại sẽ không sớm chấm dứt.

“Giờ là lúc để vùng dậy chống lại Trung Quốc”, ông cho biết trong cuộc phỏng vấn với Fox News trong ngày thứ Năm (20/09). “Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Chuyện này đã diễn ra trong khoảng thời gian dài và chúng đang gây tổn thương cho chúng ta”.

“Hàng rào thuế quan mới của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc, phần lớn sẽ nhắm vào hàng tiêu dùng, sẽ làm giảm chi tiêu và gây tổn thương cho lĩnh vực bán lẻ từ năm 2019”, Seema Shah và Danielle McIntee, hai chuyên gia phân tích với Bloomberg Intelligence, cho biết trong một báo cáo ngày thứ Sáu (21/09). “Những hộ gia đình có thu nhập thấp – vốn đang cảm nhận rõ nỗi đau từ thuế quan – là những người bị tác động nhiều nhất, khi xét tới khả năng tăng giá các hàng hóa nằm trong danh sách áp thuế”.

Trước đó trong tuần này, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Wilbur Ross, cho biết phạm vi của hàng rào thuế quan giờ đa xlan rộng ra quá nhiều mặt hàng và do đó, người dân Mỹ không nên chú ý đến mức giá gia tăng.

“Chúng tôi đang cố gắng thực hiện mọi thứ để ít tác động nhất tới người tiêu dùng”, ông Ross cho biết trong ngày thứ Ba (18/09). “Chúng tôi thực sự xem xét từng mặt hàng để cố gắng tìm ra những gì có thể đạt được mục tiêu trừng phạt Trung Quốc nhưng gây ra tác động ít nhất tới nước Mỹ”.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma