Kinh tế Myanmar: 5 cải cách cần thiết để thu hút vốn FDI

17/12/2018 20:30

Mynamar đang tăng cường nỗ lực để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sau khi nền kinh tế nước này đối mặt với những tác động do ảnh hưởng bởi sự suy yếu của đồng Kyat (MMK) so với USD trong vài tháng qua, theo The Myanmar Times.

Kinh tế Myanmar: 5 cải cách cần thiết để thu hút vốn FDI

Mynamar đang tăng cường nỗ lực để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sau khi nền kinh tế nước này đối mặt với những tác động do ảnh hưởng bởi sự suy yếu của đồng Kyat (MMK) so với USD trong vài tháng qua, theo The Myanmar Times.

Dù Ngân hàng Trung ương Myanmar (CBM) đã thực hiện một số giải pháp để bình ổn đồng nội tệ, song đồng Kyat có nguy cơ sẽ tiếp tục biến động trong vài tháng tới nếu như tình hình chính trị hiện thời không có nhiều biến chuyển. Đồng thời, xu hướng thu hút vốn đầu trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Myanmar cũng có thể bị tác động đáng kể trước bối cảnh này.

Nhằm đối phó với những nguy cơ có khả năng tác động đến dòng vốn FDI rót vào Myanmar, Cục quản lý Đầu tư và Doanh nghiệp (DICA) hồi tháng 10 đã công bố kế hoạch có tên gọi “Kế hoạch Xúc tiến Đầu tư Myanmar” (MIPP) nhằm thúc đẩy đầu tư vào 4 lĩnh vực tăng trưởng của nền kinh tế cho giai đoạn từ năm 2016 – 2036. Bốn lĩnh vực này bao gồm các ngành nghề định hướng xuất khẩu, định hướng thị trường, ngành nghề dựa trên nền tảng nguồn tài nguyên và kiến thức.

Theo đó, kế hoạch của DICA nhằm tập trung chủ yếu vào việc thu hút vốn FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc trước bối cảnh vốn đầu tư từ các nước phương Tây ít dần do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tại bang Rakhine. Thực tế, Liên minh châu Âu (EU) đã có thông báo có thể họ sẽ áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế đối với Myanmar, một động thái có khả năng tác động đến tăng trưởng kinh tế Myanmar nếu chúng được thực hiện.

Trong bối cảnh đó, theo MIPP, Chính phủ Myanmar sẽ xây dựng các chính sách và quy định mới, khuyến khích phát triển tổ chức và hạ tầng đồng thời phát triển các hệ thống kinh doanh, các ngành nghề và nguồn nhân lực trong nước để hỗ trợ cho xu hướng tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Theo ước tính của DICA, vốn FDI vào Myanmar dự kiến đạt tổng cộng 5.8 tỷ USD/năm (tương đương 9.2 ngàn tỷ Kyat) trong 5 năm tới. Được biết, năm rồi Myanmar đã thu hút được 6.1 tỷ USD vốn FDI. Trong vòng 20 năm tới, dự kiến Myanmar sẽ thu hút được 220 tỷ USD theo kế hoạch của DICA.

Tuy nhiên, hiện còn một số yêu cầu cơ bản nhất nhằm khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Myanmar vẫn chưa được đáp ứng. Theo các cuộc phỏng vấn gần đây với các quan chức Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp do The Myanmar Times thực hiện, 5 lĩnh vực cần được cải thiện trước khi đất nước này thực sự thu hút được nhiều vốn FDI.

Quy trình cấp phép đầu tư rườm rà

Trước khi tiến hành rót vốn vào bất cứ lĩnh vực nào, nhà đầu tư về cơ bản đòi hỏi về hồ sơ và các thủ tục liên quan đến việc nộp đơn xin phép cũng như các phê duyệt khác.

Chẳng hạn, theo quy định hiện hành, việc cấp phép đầu tư sẽ được thực hiện trong vòng 60 ngày nếu như hồ sơ yêu cầu đầy đủ. Thế nhưng, có một số tài liệu như đề xuất của các phòng ban và các giấy tờ liên quan đến đất đai thì nhà đầu tư lại khó có được.

U Soe Tun, một doanh nhân trong nước nói: “Việc các phòng ban có liên quan thu thập các tài liệu này thay cho nhà đầu tư sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho họ”.

U Ye Min Oo, một thành viên thuộc Ủy ban Kinh tế của Chính phủ do Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền cho biết, cần thiết có sự phối hợp tốt hơn giữa các bộ ngành do có một số phê duyệt đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều cơ quan. Ông nói: “Sẽ xảy ra tình trạng trì hoãn nếu như các bộ ngành không tạo điều kiện cho quá trình này và điều đó sẽ hạn chế nhà đầu tư”.

Tất cả các bộ ngành cũng cần phối hợp với Ủy ban Đầu tư Myanmar (MIC) và DICA bởi vì những cơ quan này đã được cấp quyền phê duyệt FDI.

Ông U Ye Min Oo nói thêm: “Điều này sẽ giúp MIC đảm bảo khung thời gian cần thiết để xử lý các hồ sơ xin cấp phép và quyết định về các lĩnh vực ưu tiên đầu tư. Nếu như quy trình để tiến hành đầu tư quá rắc rối và khó khăn, nhà đầu tư sẽ không đến đây để đầu tư”.

Thiếu nguồn cung điện

Một trong những nhu cầu cơ bản nhất của nhà đầu tư nước ngoài chính là nguồn cung điện đáng tin cậy để tiến hành hoạt động kinh doanh tại Mynamar. Tuy nhiên, tình trạng thiếu điện vẫn thường xuyên xảy ra tại khu vực Yangon trong suốt những tháng mưa. Chính vì thế, Myanmar đang phải đối mặt với áp lực gia tăng gấp đôi công suất sản xuất điện lên 6000 megawatts trong 2 năm tới để đáp ứng nhu cầu điện ngày một gia tăng.

Trong vòng 2 năm tới, Myanmar dự kiến sẽ cung cấp 8% nguồn điện trong nước thông qua các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Sang năm 2024, Myanmar dự kiến sẽ nâng tỷ lệ cung điện lên 12%.

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (IP)

Tình trạng thiếu quyền sở hữu trí tuệ của Myanmar chính là một trong số những rào cản lớn nhất đối với FDI. Đến nay, quốc gia này vẫn căn cứ theo Đạo luật Đăng ký 1909 và Đạo luật Bản quyền Myanmar 1914 để giải quyết các vấn đề liên quan đến IP.

Do thực tế này, các doanh nhân trong nước và cả những người nước ngoài ít nhiệt tình sáng chế do khả năng có thể bị đánh cắp bản quyền. Luật về IP nghiêm khắc sẽ ngăn chặn được tình trạng này, qua đó sẽ thúc đẩy sáng kiến và phát minh tại quốc gia này.

U Moe Mynn Thu, thành viên của hội đồng Myanmar thuộc Hiệp hội Sở hữu Trí tuệ ASEAN cho rằng: “Hiện Myanmar không có các quy định mới và toàn diện về IP. Không có quy định cụ thể nào để bảo vệ IP, thế nên chúng ta cần nhanh chóng đưa ra các quy định tốt hơn”.

U Kyaw Kyaw Win, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sở hữu trí tuệ của Myanmar cho biết: “Nếu như các thương hiệu và các công ty nước ngoài cảm thấy bất mãn khi họ tìm hiểu thị trường trong nước do thiếu quy định bảo hộ IP, điều này sẽ đánh mất cơ hội phát triển kinh tế quốc gia”.

U Myat Nyanar Soe, Phó bí thư Ủy ban Phối hợp Dự thảo Luật, cho biết, hồi tháng 1 năm nay, các dự thảo luật về quyền IP, bản quyền, luật công nghiệp, bằng sáng chế và thương hiệu đã được thảo luận tại Thượng viện. Dự kiến, các dự thảo luật này sẽ được thảo luận trước Hạ viện trong tháng này. Nếu như được thông qua, việc thi hành luật sẽ sớm diễn ra.

Cải cách tài chính

Tài chính và ngân hàng là một trong những lĩnh vực cần thiết cải cách nhất để tạo điều kiện thu hút nhiều FDI hơn cũng như thúc đẩy xu hướng phát triển kinh tế nước nhà.

Một trong những lo ngại cho nền kinh tế gần đây chính là sự suy yếu giá trị của đồng nội tệ (MMK), nguyên nhân thúc đẩy chi phí nhập khẩu cao hơn và đã kiềm chế người dân Myanmar chi tiêu thoải mái. Giá trị đồng USD tăng so với MMK cũng chính là một trở ngại đối với các công ty thực hiện trả lương trong nước bằng USD theo các thỏa thuận tương ứng.

U Aung Ko Ko, một nhà kinh tế Myanmar chia sẻ: “Việc Myanmar thực hiện giao dịch bằng các đồng tiền tương ứng của các đối tác thương mại chính là rất cần thiết. Danh sách những đối tác đối tác thương mại chính của Myanmar sẽ không thay đổi nhiều trong 10 năm tới do có nhiều nỗ lực sẽ phải thực hiện để giảm bớt sự tác động của biến động tỷ giá đối với các doanh nghiệp Myanmar”.

Một phần của những nỗ lực đó chính là CBM đã thực hiện các bước mạnh để bình ổn tỷ giá như cho phép đồng Kyat được thả nổi và áp dụng hình thức hoán đổi tiền tệ giữa các ngân hàng trong thời gian đầu. Tuy nhiên cần phải có thời gian để những giải pháp của Ngân hàng Trung ương phát huy tác dụng của chúng.

Dr Maung Maung Lay, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Myanmar cho biết, CBM cũng cần hành động để ngành ngân hàng có thể cung cấp vốn cần thiết để các doanh nghiệp phát triển, qua đó sẽ thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư vào các công ty trong nước có tiềm năng.

Ông Dr Maung Maung Lay nói: “Để các khoản cho vay có chi phí thấp, CBM cần đưa ra các chính sách thuận tiện cho các ngân hàng trong nước. Nhưng đến nay, do tỷ lệ lạm phát trong nước cần phải xem xét nên lãi suất cho vay không thể hạ thấp hơn. Đây là tình huống mà riêng phía các ngân hàng họ không thể nào giải quyết được mà cần có sự hỗ trợ của Chính phủ bằng cách thúc đẩy các thị trường vốn và tự do hóa lĩnh vực bảo hiểm”.

Ông nói thêm, các ngân hàng nước ngoài tại Myanmar cũng nên được phép mở rộng các dịch vụ của họ. Đồng thời, cũng cần có sự hợp tác về tài chính nhiều hơn nữa giữa các ngân hàng trong và ngoài nước để tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế.

Nâng cao tay nghề

Các chủ doanh nghiệp nước ngoài thường phàn nàn về việc Myanmar thiếu người lao động có tay nghề. Ông U Aye Kyaw, người sáng lập và cũng là Chủ tịch của Viện Quản lý và Lãnh đạo Myanmar, đơn vi chuyên cung cấp các chứng chỉ chuyên môn cho LCCI, CPA, ACCA và CIMA, cho biết: “Các doanh nghiệp nước ngoài đang tìm kiếm những lao động có nhiều kinh nghiệm hoặc được đào tạo ở các lĩnh vực như kế toán và tài chính do chúng cần thiết trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế”.

Ông U Aye Kyaw nói thêm, một trong những yêu cầu cơ bản mà các công ty nước ngoài đặt ra khi họ thuê lao động trong nước chính là chứng chỉ chuyên môn do các học viện quốc tế cấp. Ông nói: “Việc thiếu những chứng chỉ năng lực đó chính là một trong những điểm yếu chính để thuê lao động trong nước và cũng chính là nỗi lo của các nhà đầu tư nước ngoài khi họ đến làm ăn tại Myanmar”.

Bên cạnh đó, theo Công ty Billion Force Services, các công ty nước ngoài cũng đang tìm kiếm nguồn lao động được trang bị các kỹ năng quản lý như lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo hoặc kiểm soát. Những nguồn lao động được đào tạo ngành công nghệ thông tin và viễn thông cũng khá cần.

U Tin Ma Ma Soe, Giám đốc quản lý của Công ty Billion Force Services nói: “Khả năng đọc, viết, nói và suy nghĩ bằng tiếng Anh cũng là một yêu cầu rất quan trọng đối với các chủ doanh nghiệp nước ngoài”.

Vì thế, một phần trong chương trình phát triển kỹ năng tiếng Anh của Chính phủ Myanmar trong năm nay là cho phép người nước ngoài được đầu tư 100% vốn vào các trường tư tại Mynamar nhằm thu hẹp sự chênh lệch giữa các kỹ năng để gia tăng số lượng lao động có năng lực trong nước, đáp ứng yêu cầu của các công ty nước ngoài.

Đỗ Thảo (Theo The Myanmar Times)

FILI

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma