“Nỗi đau” từ thị trường mới nổi lây lan, đồng Rupiah rơi xuống đáy 20 năm

31/08/2018 11:34

Đồng Rupiah của Indonesia rơi xuống mức thấp nhất trong 2 thập kỷ, qua đó buộc Ngân hàng Trung ương nước này phải can thiệp vào thị trường, trong bối cảnh khủng hoảng tiền tệ ở Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ làm dấy lên hoài nghi về những thị trường mới nổi có thâm hụt tài khoản vãng lai.

“Nỗi đau” từ thị trường mới nổi lây lan, đồng Rupiah rơi xuống đáy 20 năm

Đồng Rupiah của Indonesia rơi xuống mức thấp nhất trong 2 thập kỷ, qua đó buộc Ngân hàng Trung ương nước này phải can thiệp vào thị trường, trong bối cảnh khủng hoảng tiền tệ ở Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ làm dấy lên hoài nghi về những thị trường mới nổi có thâm hụt tài khoản vãng lai.

Đồng Rupiah rơi xuống mức 14,750 đổi 1 USD, thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, còn lợi suất trái phiếu chuẩn tăng 10 điểm cơ bản lên mức cao nhất kể từ năm 2016. Chỉ số Jakarta Composite Index có lúc giảm tới 1.3%.

“Thành quả kém của đồng Rupiah so với phần còn lại của các thị trường mới nổi đến từ vị thế thanh toán nước ngoài yếu của Indonesia, nhất là khoản thâm hụt tài khoản vãng lai”, Prakash Sakpal, Chuyên gia kinh tế tại ING Groep NV ở Singapore, cho hay. Dù vậy, “mọi thứ hiện nay khác xa so với 20 năm trước đây, thời điểm cuộc khủng hoảng khởi nguồn ở châu Á và độ tín nhiệm bên ngoài của đồng Rupiah cũng thấp hơn nhiều”.

Khi nhà đầu tư bán đổ bán tháo tài sản của Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina, các quốc gia với thâm hụt tài khoản vãng lai lớn như Indonesia và Ấn Độ cũng chứng kiến đồng nội tệ và trái phiếu của họ chịu áp lực bán tháo. Làn sóng bán tháo đồng Peso của Argentina và Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã chấm dứt tình trạng ổn định gần đây – nhờ 4 lần nâng lãi suất của NHTW Indonesia (Bank Indonesia) và nhờ đó mà lôi kéo quỹ nước ngoài trở về thị trường trái phiếu Indonesia.

Đà bán tháo gần đây sẽ gây áp lực lên NHTW Indonesia nâng lãi suất một lần nữa, theo Bank of America Merrill Lynch.

Mohamed Faiz Nagutha, Chuyên gia kinh tế tại Bank of America Merrill Lynch ở Singapore, cho hay: “Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng thêm nhiều đợt nâng lãi suất nữa, trong mức độ nâng sẽ được xác định bởi các yếu tố bên ngoài thay vì các yếu tố cơ bản trong nước”.

Can thiệp từ Ngân hàng Trung ương Indonesia

Ngân hàng Trung ương Indoneisa đang can thiệp vào cả thị trường ngoại hối và trái phiếu, theo Nanang Hendarsah, Giám đốc phụ trách quản lý tiền tệ.

Đồng Rupiah lao dốc 7.8% trong năm nay, và lần đầu tiên là chịu áp lực từ đà tăng của đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang, sau đó là khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện đây là đồng tiền có thành quả tệ thứ hai ở châu Á, chỉ sau đồng Rupee của Ấn Độ.

“Tác động lan truyền từ khủng hoảng ở các thị trường mới nổi Argentina (đồng Peso) và Thổ Nhĩ Kỳ (đồng Lira) đang đè nặng lên các đồng tiền mới nổi châu Á”, Ken Cheung, Chiến lược gia ngoại hối cấp cao tại Mizuho Bank Ltd. ở Singapore, cho hay. “Không hề có dấu hiệu giảm bớt căng thẳng trong cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung, và kế hoạch áp thuế quan lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sắp tới (sau giai đoạn bình luận công khai tuần tới) có thể hủy hoại tâm lý thị trường”.

Đà giảm của đồng Rupiah đã trầm trọng thêm khoản thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia. Tình trạng thâm hụt đã lên tới mức 8 tỷ USD trong quý 2/2018, tương đương 3% GDP, cao hơn nhiều so với mức 5.7 tỷ USD trong quý 1/2018, dựa trên dữ liệu mới nhất từ NHTW Indonesia.

“Đối với Indonesia, chúng ta cần phải kiểm soát thâm hụt tài khoản vãng lai”, Suahasil Nazara, Trưởng văn phòng chính sách tài khóa tại Bộ Tài chính Indonesia, nhận định. “Biện pháp tối thượng là thông qua các đợt cải cách cấu trúc của chúng tôi, mang lại môi trường kinh doanh tốt hơn và có lợi hơn, nhất là đối với ngành sản xuất công nghiệp và các ngành ‘thượng nguồn’”.

Gần đây, các nhà đầu tư, bao gồm cả Western Asset Management, cho biết, xuất hiện cơ hội mua trái phiếu Indonesia khi xét tới các yếu tố cơ bản vững mạnh trong nước và một NHTW chủ động. Với việc khối ngoại sở hữu gần 40% trái phiếu quốc gia, Indonesia cực kỳ dễ bị tổn thương trước các nỗi lo sợ trên toàn cầu.

Bất chấp đà bán tháo của đồng Rupiah, nhà đầu tư có thể đặt niềm tin vào “sự cải thiện nền tảng trong nền kinh tế Indonesia” kể từ cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997-1998, Michael Every, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu thị trường tài chính tại Rabobank Group ở Hồng Kông, cho hay. “Tôi không nghĩ có quá nhiều rủi ro suy giảm đối với đồng Rupiah cho đến khi chúng tôi nhận thấy Trung Quốc phá giá đáng kể đồng nội tệ của họ”, ông nói.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FiLi

CÁC TIN TRƯỚC

Tin xem nhiều nhất

Đăng ký nhận bản tin

Symptoma